CẢM GIÁC THÈM ĂN ẢNH HƯỞNG THẾ NÀO ĐẾN SỨC KHỎE?
Cảm giác thèm ăn quan trọng cho sự tồn tại của chúng ta và nó đảm bảo rằng chúng ta sẽ ăn đủ để cơ thể có thể hoạt động. Nhưng nhiều lúc chúng ta ăn không phải vì cơn đói, mà vì cơn thèm ăn. Vậy thèm ăn là bệnh gì? Hãy cùng mình khám phá trong nội dung sau đây.
I. Thèm ăn là bệnh gì? Tại sao cơ thể lại thèm ăn?
1. Thèm ăn là bệnh gì?
Thèm ăn là một khao khát cụ thể và mãnh liệt dành cho một loại đồ ăn nhất định. Sự ham muốn này đôi khi không thể cưỡng lại và không thể kiểm soát được.
Và người xuất hiện cơn thèm ăn có thể sẽ không được thỏa mãn cho đến khi ăn được đúng loại thức ăn mà người đó đang thèm. Hầu hết chúng ta đều đã từng trải qua cảm giác này.
Hầu hết mọi người đều từng trải qua cảm giác thèm ăn (Nguồn ảnh: ST)
2. Tại sao lại có cảm giác thèm ăn?
Thỉnh thoảng các cơn thèm xuất hiện do tình trạng thiếu các dưỡng chất cụ thể và đó là cách để cơ thể báo cho bạn biết. Nhưng phần lớn các trường hợp thèm ăn chỉ đơn thuần là vấn đề tâm lý, do sự căng thẳng hay buồn chán chi phối.
Thông thường, các loại thức ăn được thèm muốn sẽ giàu chất béo và đường (hoặc cả hai). Những món sẽ làm khơi dậy một lượng cao đột biến các loại hóa chất tạo cảm giác dễ chịu trong não khi bạn ăn chúng. Có thể, cảm giác này mới chính là thứ mà chúng ta thèm, chứ không phải là bản thân các đồ ăn đó.
Các món ăn có vị ngọt, mặn và béo sẽ khiến chúng ta có cảm giác thèm (Nguồn ảnh: ST)
Song, ký ức về việc chúng ta đã ăn bao nhiêu cũng rất quan trọng với sự thèm ăn và những người mất trí nhớ ngắn hạn có thể sẽ ăn tiếp không lâu sau khi vừa ăn xong. Bên cạnh đó, sự căng thẳng cũng có thể làm gia tăng mong muốn ăn.
>> Tham khảo: Chứng rối loạn ăn uống gây ra hậu quả nghiêm trọng thế nào?
3. Cơn thèm và cơn đói khác nhau thế nào?
Thèm ăn và cơn đói đều tạo cho cơ thể cảm giác mong muốn được ăn. Tuy nhiên, thèm ăn và cơn đói là hai trạng thái khác nhau.
– Đói: là nhu cầu lấy thức ăn thuộc về sinh lý, do các tín hiệu nội tại như lượng đường trong máu thấp hoặc một cái bụng rỗng điều khiển.
– Thèm ăn: là mong muốn được ăn, bắt nguồn từ việc nhìn hay ngửi thấy đồ ăn hoặc thứ gì đó khiến chúng ta nghĩ đến đồ ăn.
Phân biệt cơn thèm ăn và cơn đói giúp chúng ta kiểm soát lượng thức ăn tốt hơn (Nguồn ảnh: ST)
II. Cách giảm cơn thèm ăn
Cơn thèm ăn sẽ là trở ngại lớn đối với những người đang duy trì mục tiêu cân nặng hoặc đang thực hành một chế độ ăn uống lành mạnh. Một số chất có thể giúp làm giảm cơn thèm ăn thông qua các tác động cụ thể lên cơ thể.
1. Nước
Nước làm dãn dạ dày, kích thích cảm giác no. Tuy nhiên, cảm giác no chỉ kéo dài trong khoảng thời gian ngắn bởi nước nhanh chóng được hấp thụ và cơ thể tiếp tục phản ứng với sự thiếu dưỡng chất.
Uống nước làm tăng cảm giác no, hạn chế sự thèm ăn trong ngắn hạn (Nguồn ảnh: ST)
>> Tham khảo: Một ngày uống bao nhiêu nước là đủ?
2. Chất xơ
Những loại thực phẩm giàu chất xơ làm chậm quá trình làm rỗng dạ dày và trì hoãn việc hấp thụ các dưỡng chất, giữ cho bạn no lâu hơn.
3. Protein
Protein tác động đến việc giải phóng một số hormone điều chỉnh cảm giác thèm ăn, chẳng hạn như leptin, tăng cường cảm giác no.
4. Bưởi
Mùi bưởi dường như làm giảm kích hoạt dây thần kinh phế vị, làm giảm cảm giác thèm ăn.
5. Tập thể dục
Các bài tập thể dục cường độ cao tác động đến sự giải phóng các hormone đói (ghrelin), tạm thời kiềm chế cơn đói.
Tập thể dục giúp kiềm chế cơn đói tạm thời (Nguồn ảnh: ST)
6. Thư giãn
Căng thẳng có thể đóng vai trò nhất định trong việc xuất hiện cảm giác thèm ăn. Do đó hãy tìm cách thư giãn, giảm bớt căng thẳng như nghe nhạc, chơi nhạc cụ yêu thích, đi dạo công viên hoặc chơi đùa với thú cưng…
Thư giãn với thú cưng, nghe nhạc… để hạn chế cơn thèm ăn (Nguồn ảnh: ST)
>> Tham khảo: Bị stress nên làm gì để vực dậy tinh thần?
III. Cơn thèm ăn và bệnh béo phì
Những người có khuynh hướng bị béo phì là do cơ thể ít nhạy cảm hơn với hormone leptin (hormone no). Leptin là một hormone đi từ các tế bào mỡ đến não và nói rằng chúng ta có đủ năng lượng dự trữ rồi và chúng ta có thể ngừng ăn.
Nhiều chất béo tương đương với nhiều leptin. Thế nhưng tại sao người béo phì với lượng mỡ khá nhiều lúc nào cũng cảm thấy đói?
Tại sao người béo phì lúc nào cũng cảm thấy đói ? (Nguồn ảnh: ST)
Theo chuyên gia về nội tiết và béo phì bác sĩ Robert H.Lustig cho biết, thủ phạm gây ra điều này chính là insulin. Insulin tiết ra khi cơ thể nạp nhiều đường, và insulin dư thừa lại ngăn chặn leptin trong não.
Vì vậy, não không nhận được thông điệp rằng tế bào mỡ trong cơ thể có đủ năng lượng dự trữ rồi và chúng ta có thể ngừng ăn. Vì không nhận được tín hiệu no nên cơ thể lúc nào cũng thèm ăn.
Hoặc theo một cách lý giải khác, chứng thèm ăn của người béo phì là do kháng leptin. Khi lượng mỡ vượt quá nhu cầu cần thiết dẫn đến lượng hormone leptin tăng lên quá cao làm thụ thể leptin không kịp phản ứng nên não bộ lại nhầm thành cơ thể đang bị thiếu leptin. Chính vì vậy, cơ thể lại thèm ăn và tiếp tục ăn thêm.
Do đó, việc sử dụng leptin làm thuốc không có tác dụng gì đối với bệnh béo phì ngay cả khi dùng liều lượng cao, bởi cơ thể càng lúc càng ít nhạy cảm hơn với leptin. Đây là hội chứng kháng leptin.
IV. Kết luận
Cảm giác thèm ăn có thể xảy đến với bất kỳ ai, từ người có cân nặng ổn định cho đến người béo phì. Và việc hiểu được thèm ăn là bệnh gì và tại sao cơ thể lại thèm ăn sẽ giúp bạn có những lựa chọn thực phẩm phù hợp cho cơ thể.
>> Tham khảo: Những món ăn vặt giảm cân healthy cho các nàng thích ăn vặt.