PHÒNG NGỪA VÀ ĐIỀU TRỊ TIỂU ĐƯỜNG THAI KỲ NHƯ THẾ NÀO?
Tiểu đường thai kỳ là một bệnh lý xuất hiện trong thời gian mang thai. Thông thường bà bầu không biết mình đã mắc chứng bệnh này nếu không thường xuyên khám thai định kỳ. Vì vậy, việc phát hiện sớm tiểu đường thai kỳ sẽ làm giảm thiểu tối đa biến chứng cho mẹ và bé.
1. Tiểu đường thai kỳ là gì, có nguy hiểm không?
Tiểu đường thai kỳ là bệnh lý gây ra bởi sự rối loạn lượng đường trong máu trong thời kỳ mang thai. Theo thống kê, cứ 7 phụ nữ mang thai thì có 1 người bị tiểu đường thai kỳ. Đây là căn bệnh có thể gây nguy hiểm cho cả mẹ và bé. Tuy nhiên, bệnh chỉ phát triển mạnh trong thời gian mang thai và sẽ biến mất sau khi sinh.
Trong thời kỳ mang bầu, nhau thai tạo ra các nội tiết tố giúp nhau thai phát triển. Nhưng những nội tiết tố này lại vô tình gây ra một số tác động xấu đến insulin, dẫn đến tình trạng rối loạn nội tiết tố và hậu quả là gây ra đái tháo đường thai kỳ.
Tiểu đường thai kỳ (Nguồn ảnh: ST)
Tiểu đường thai kỳ không chỉ gây nguy hiểm đến sức khỏe mẹ bầu mà còn ảnh hưởng nặng nề đến thai nhi:
- Đối với bé:
- Có nguy cơ bị dị tật bẩm sinh;
- Bé có nguy cơ bị đột tử trong tử cung;
- Bé sẽ phát triển to hơn những em bé bình thường;
- Bé có nguy cơ gặp phải rối loạn chuyển hóa;
- Phổi chậm trưởng thành hơn những bé khác;
- Đối với mẹ bầu:
- Bị tiểu đường thai kỳ sẽ làm tăng nguy cơ sản giật và tiền sản giật;
- Mẹ tăng cân nhiều (trên 20kg), thai to làm tăng nguy cơ mổ lấy thai;
- Tăng nguy cơ nhiễm trùng vết mổ;
- Về lâu dài, bị tiểu đường thai kỳ có thể tiến triển thành đái tháo đường type 2;
Tuy rằng tiểu đường thai kỳ gây nguy hiểm đến sức khỏe của mẹ và bé, nhưng các mẹ hoàn toàn có thể kiểm soát được tình trạng này bằng cách quản lý thai kỳ chặt chẽ, khám thai định kỳ, sàng lọc trước sinh đầy đủ (đặc biệt từ tuần 24 - 28).
2. Những đối tượng nào dễ bị tiểu đường thai kỳ?
Không phải bà bầu nào cũng mắc chứng tiểu đường thai kỳ. Tuy nhiên, những bà bầu thuộc những nhóm sau đây cần cảnh giác cao độ hơn:
- Nhóm những bà bầu có tiền sử béo phì, thừa cân và bệnh tiểu đường hay cao huyết áp trước khi mang thai.
- Nhóm bà bầu có tiền sử gia đình có người mắc bệnh tiểu đường, tăng cân quá nhiều trong khi mang thai
- Mang thai khi đã ngoài 30 tuổi.
- Một nhóm khác có tiền sử sinh sản, đã từng sinh em bé trên 4 ký hay dị tật, chết non, cũng có nguy cơ mắc chứng tiểu đường thai kỳ.
Bà bầu thừa cân, béo phì có nguy cơ mắc tiểu đường thai kỳ cao (Nguồn ảnh: ST)
3. Cách nhận biết tiểu đường thai kỳ
Tiểu đường thai kỳ thường diễn ra thầm lặng và không thể hiện bằng triệu chứng dễ nhận biết. Thai phụ chỉ phát hiện ra bệnh tiểu đường khi thăm khám thai định kỳ và bác sĩ cho làm xét nghiệm đường máu (tuần 24 - 28). Một số dấu hiệu nhận biết khi bà bầu mắc bệnh tiểu đường thai kỳ:
- Cảm thấy thường xuyên khát nước, hay thức giấc giữa đêm để uống nước;
- Đi tiểu nhiều lần trong ngày và lượng nước tiểu cũng nhiều hơn so với các thai phụ khác;
- Khi bị trầy xước, vết thương sẽ rất lâu lành;
- Dấu hiệu sụt cân, mệt mỏi, thiếu sức sống.
Quan sát các dấu hiệu về ăn uống để phát hiện kịp thời tiểu đường thai kỳ (Nguồn ảnh: ST)
4. Cách phòng ngừa tiểu đường thai kỳ
4.1. Duy trì cân nặng hợp lý trước khi mang thai
Thừa cân là một trong những nguy cơ hàng đầu gây tiểu đường thai kỳ. Do đó, trước khi quyết định mang thai, các chị em cần duy trì chỉ số BMI (chỉ số khối cơ thể) dưới 25 để đảm bảo sức khỏe tốt, hạn chế mắc bệnh tiểu đường thai kỳ trong suốt quá trình mang thai.
4.2. Thực hiện chế độ dinh dưỡng lành mạnh
Chế độ dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong việc ổn định đường huyết trong thai kỳ. Do đó việc xây dựng một chế độ ăn uống lành mạnh vừa đủ và cân đối các chất dinh dưỡng sẽ giúp ngăn ngừa biến chứng tiểu đường cho cả mẹ và bé.
Chế độ dinh dưỡng lành mạnh luôn được khuyến khích thực hiện lâu dài, bất kể mọi thời điểm. Một chế độ ăn uống lành mạnh không chỉ làm giảm nguy cơ bị tiểu đường thai kỳ mà còn cải thiện sức khỏe của thai phụ trong những ngày bầu bí mệt mỏi.
Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh giúp kiểm soát chỉ số đường huyết cho mẹ bầu (Nguồn ảnh: ST)
4.3. Thường xuyên vận động
Tập thể dục thường xuyên sẽ giúp các mẹ bầu phòng ngừa chứng bệnh tiểu đường thai kỳ. Vậy nên, các mẹ bầu hãy dành 30 phút mỗi ngày cho các bài tập thể dục như đi bộ nhẹ nhàng, bơi lội, yoga... Hoặc nếu không có điều kiện thì có thể chia nhỏ mỗi lần tập 10 phút đều mang lại hiệu quả trong việc cải thiện chỉ số tiểu đường thai kỳ.
5. Tiểu đường thai kỳ nên ăn gì và kiêng gì?
- Hạn chế tối đa thực phẩm chứa nhiều đường, tinh bột gây tăng đường huyết như: bánh ngọt, bánh kẹo, kem, chè, nước ngọt, các loại trái cây ngọt, rượu bia...
- Tăng cường ăn các loại thực phẩm ít gây tăng đường huyết như: thịt nạc, cá, các loại đậu đỗ, gạo lứt, các loại trái cây ít ngọt, rau của quả, yaourt, các loại sữa không béo và không đường.
Xây dựng chế độ ăn lành mạnh cho mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ
- Hạn chế ăn mặn và các loại thực phẩm chế biến sẵn có chứa nhiều muối để phòng ngừa tăng huyết áp như: thịt nguội, đồ hộp, cháo,... Tránh các loại thực phẩm có nhiều chất béo gây tăng mỡ máu như: lòng đỏ trứng, thức ăn chiên xào, nội tạng (tim, gan, thận),...
- Có thể bổ sung đạm thông qua các thực phẩm như ức gà, cá, trứng hoặc lòng trắng trứng (1 quả/tuần).
- Ăn nhiều bữa trong ngày để đảm bảo không làm tăng đường máu lên quá cao, và cũng không để đường máu hạ quá thấp lúc xa bữa ăn. Trong ngày nên ăn 3 bữa chính và 1 - 2 bữa ăn phụ. Ăn đúng giờ và không bỏ bữa.
- Tập thể dục nhẹ nhàng với các môn phù hợp thể trạng và giai đoạn thai kỳ của mình. Có thể là yoga, đi bộ hay bơi lội...
Mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ nên ăn nhiều trái cây ít ngọt, rau củ và ăn đúng bữa (Nguồn ảnh: ST)
6. Kết luận
Tiểu đường thai kỳ để lại nhiều biến chứng không lường hết cho cả mẹ và bé. Vì vậy các bà bầu nên thăm khám thai định kỳ, rà soát tiểu đường cẩn thận, thiết lập chế độ ăn lành mạnh nhằm giúp ngăn ngừa biến chứng một cách tích cực nhất.