TRẺ THỪA CÂN BÉO PHÌ VÀ NHỮNG ĐIỀU BỐ MẸ CẦN BIẾT!
Trẻ thừa cân béo phì ngoài việc chịu những tác động không tốt lên sức khỏe thể chất thì còn bị áp lực về tâm lý, mặc cảm về ngoại hình. Do đó, bố mẹ cần có những giải pháp điều trị kịp thời cho trẻ để phòng tránh các bệnh mạn tính sau này.
I. Thế nào thừa cân béo phì?
Thừa cân là tình trạng cân nặng cao hơn mức cân nặng chuẩn (cân nặng tương ứng với chiều cao). Béo phì là sự tích tụ bất thường và quá mức khối mỡ tại mô mỡ do sự dư thừa năng lượng ăn vào trong một thời gian dài.
Trẻ em trong giai đoạn tăng trưởng, các tế bào mỡ trong cơ thể sẽ tăng về số lượng hơn là tăng về kích thước. Do đó, nếu trẻ bị béo phì ở giai đoạn này, việc điều trị sẽ rất khó khăn vì khi giảm cân là tế bào mỡ chỉ thu nhỏ lại mà không mất đi nên dễ bị tăng cân trở lại sau này.
Trẻ em thừa cân béo phì (Nguồn ảnh: ST)
II. Nguyên nhân thừa cân béo phì ở trẻ em
Trẻ thừa cân béo phì là do năng lượng ăn vào cao hơn năng lượng tiêu hao trong một thời gian dài. Chủ yếu là do dinh dưỡng bất hợp lý và ít vận động. Có 2 nguyên nhân thừa cân béo phì ở trẻ em:
1. Yếu tố di truyền
Trẻ mang một số gen trong các nhóm gen như nhóm gen kích thích sự ngon miệng, nhóm gen liên quan đến tiêu hao năng lượng, nhóm gen điều hoà chuyển hoá, nhóm gen liên quan đến sự biệt hoá và phát triển tế bào mỡ. Những trường hợp này thường gặp ở trẻ có bố mẹ bị thừa cân béo phì.
Trẻ thừa cân béo phì có gen di truyền từ bố mẹ (Nguồn ảnh: ST)
2. Yếu tố môi trường
Trẻ bị thừa cân, béo phì do ăn quá nhiều năng lượng: nhiều chất béo, nhiều chất ngọt, ăn nhanh, ăn nhiều, và thường hay ăn vặt. Bên cạnh đó là lối sống ít vận động, ngồi nhiều xem tivi, chơi game, điện thoại…
Nguyên nhân chính làm trẻ thừa cân là từ lối sống và chế độ ăn không phù hợp (Nguồn ảnh: ST)
III. Trẻ em béo phì bị bệnh gì?
Hậu quả của việc trẻ bị thừa cân béo phì là rất lớn, làm gia tăng các chứng bệnh mãn tính và ảnh hưởng đến các vấn đề tâm lý của trẻ.
1. Ảnh hưởng đến tâm lý
Bệnh béo phì làm cơ thể trẻ mất cân đối, nặng nề, chậm chạp, đi lại khó khăn. Đi học bị bạn bè trêu ghẹo dẫn đến trẻ dễ mắc bệnh trầm cảm, tự ti, khó hòa nhập cộng đồng.
Trẻ thừa cân dễ mắc bệnh trầm cảm, tự ti, khó hòa nhập cộng đồng.
2. Nguy cơ mắc các bênh mạn tính khi lớn lên
- Người béo phì thường đi kèm với cholesterol cao, gây xơ hóa lòng mạch máu, dẫn đến tăng huyết áp, đột quỵ, nhồi máu cơ tim. Ở người béo phì, tim phải làm việc nhiều hơn để bơm máu đi nuôi cơ thể và lâu dài gây quá tải cho tim. Do đó, người béo phì dễ mắc các bệnh về tim mạch.
- Người bệnh béo phì cũng dễ mắc bệnh tiểu đường, các bệnh về đường tiêu hóa: gan thoái hóa, rối loạn chuyển hóa mỡ sinh ra sỏi mật. Người béo phì thường bị rối loạn nhịp thở, ngáy, khó thở khi gắng sức, ngừng thở khi ngủ, béo phì càng nặng rối loạn nhịp thở càng nhiều.
- Người thừa cân, béo phì dễ bị thoái hóa khớp, loãng xương, do trọng lượng cơ thể gây áp lực lên xương khớp, dễ mắc bệnh gút…
- Béo phì còn làm tăng nguy cơ sỏi mật ở mọi lứa tuổi và giới tính gấp 3 - 4 lần. Nguy cơ này cao hơn khi mỡ tập trung ở vùng bụng.
Trẻ thừa cân béo phì có nguy cơ mắc bệnh mạn tính cao hơn trẻ bình thường (Nguồn ảnh: ST)
IV. Cách giảm cân cho trẻ béo phì
Trẻ em là cơ thể đang phát triển nên mục tiêu điều trị béo phì của trẻ không phải chỉ là giảm cân. Vì giảm cân không đúng sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe, tâm lý của trẻ. Mục tiêu quan trọng nhất là thay đổi chế độ ăn và tăng cường vận động thể dục thể thao.
1. Thay đổi chế độ ăn
Nguyên tắc thay đổi chế độ ăn: giảm năng lượng nhưng vẫn đủ chất dinh dưỡng cần thiết như chất bột đường, chất đạm, chất béo, chất xơ, vitamin và khoáng chất.
- Chất đạm: tăng đạm (chiếm từ 15 - 25% năng lượng khẩu phẩn). Ăn thịt nạc, cá, thịt da cầm bỏ da, tôm, đậu phụ...
- Chất bột đường: Nên ăn tinh bột chưa qua tinh chế như ngũ cốc nguyên hạt, các loại khoai, củ giàu chất xơ. Nên tránh ăn thức ăn nhiều đường đơn giản như: đường, mứt, bánh ngọt, kẹo, nước ngọt…
- Chất béo: giảm chất béo (khoảng 15% năng lượng khẩu phần). Nếu trẻ có uống sữa thì chọn sữa không đường, không nên uống sữa đặc có đường. Nên tránh các loại thức ăn nhanh, chiên ngập dầu. Hạn chế các món rán, xào, nên làm các món luộc, hấp, kho.
- Chất xơ, vitamin và khoáng chất: Nên ăn nhiều rau xanh, quả chín ít ngọt (khoảng 500g/ngày).
Trẻ béo phì nên ăn nhiều rau xanh, hoa quả ít ngọt (Nguồn ảnh: ST)
- Hạn chế muối ăn dưới 5g/ngày.
- Ăn đa dạng các loại thực phẩm khác nhau với mức cân đối, hợp lý. Tránh ăn chỉ một loại thực phẩm nào đó.
- Bữa sáng nên ăn nhiều để tránh ăn vặt ở trường, giảm ăn về chiều và tối.
- Tạo thói quen ăn uống điều độ: không bỏ bữa, ăn đúng giờ, không để trẻ quá đói, vì nếu quá đói trẻ sẽ ăn nhiều các bữa sau sẽ gây tích lũy mỡ nhanh hơn. Nhai kỹ và chậm khi ăn.
- Tránh dự trữ các món ăn vặt giàu năng lượng trong nhà như bơ, phô mát, bánh kẹo, nước ngọt...
2. Tăng cường vận động thể dục thể thao
Bên cạnh việc cải thiện chế độ dinh dưỡng thì các hoạt động thể lực cũng là một trong 2 yếu tố chính góp phần hạn chế thừa cân, béo phì cho trẻ.
Vận động, thể dục thể thao thường xuyên
- Cần khuyến khích, tạo điều kiện cho trẻ tham gia các trò chơi vận động như nhảy dây, đá bóng, cầu lông, bơi lội, đi bộ, leo cầu thang...
- Khuyến khích trẻ đi bộ hoặc đi xe đạp đến trường thay vì đưa đón, làm việc nhà như dọn dẹp, lau chùi nhà cửa...
- Không cho trẻ xem tivi quá nhiều, cũng không nên bắt trẻ ngồi học nhiều. Nên tạo điều kiện để trẻ được vui đùa chạy nhảy sau những giờ học căng thẳng.
- Ngủ đủ giấc: trung bình từ 8 - 10 giờ mỗi ngày.
V. Kết luận
Tóm lại, việc hiểu và phòng ngừa thừa cân béo phì ở trẻ em là việc vô cùng cần thiết, có tác động rất lớn đến sức khỏe của mỗi cá nhân và cho toàn xã hội. Hi vọng bài viết này sẽ giúp các ông bố bà mẹ có thêm thông tin hữu ích để điều chỉnh lối sống và dinh dưỡng hợp lý hơn cho gia đình.