NGƯỜI BỊ GOUT (GÚT) NÊN ĂN GÌ VÀ KIÊNG ĂN GÌ?

Gout (gút) dẫn đến các triệu chứng về xương khớp, gây giảm năng suất lao động và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Do đó, việc ngăn ngừa và điều trị gout bằng cách thay đổi lối sống, dinh dưỡng là một trong những việc làm cấp thiết. Và nội dung sau đây sẽ nói về chế độ ăn cho người bị gout.

I. Gút là bệnh gì?

Bệnh gout (gút) - hay còn gọi là bệnh thống phong - là một trong những bệnh lý mạn tính không lây liên quan đến lối sống, chế độ ăn hàng ngày. Bệnh gút xảy ra khi có sự gia tăng quá mức nồng độ acid uric trong dịch cơ thể. Khi nồng độ acid uric cao, các tinh thể uric sẽ có thể tích tụ trong các khớp. 

Quá trình này gây ra sưng, viêm và đau dữ dội. Thường bắt đầu từ ngón chân cái, tiếp đến là ngón tay, cổ tay, đầu gối và gót chân. Các cơn gút thường xảy ra vào ban đêm, sau các bữa ăn giàu đạm và kéo dài 3 - 10 ngày. 

Bệnh gout nếu không được theo dõi và điều trị liên tục, lượng acid uric sẽ trữ ngày một nhiều hơn và lâu ngày dẫn đến suy thận - nguy cơ gây tử vong lớn nhất ở người mắc bệnh gout.

Chế độ ăn cho người bị gout

Bệnh gout (Nguồn ảnh: ST)

II. Nguyên nhân của bệnh gút 

Ngoài yếu tố di truyền thì các yếu tố liên quan đến dinh dưỡng và lối sống sau đây chính là nguyên nhân gây ra bệnh gout:

- Chế độ ăn nhiều đạm động vật: hải sản, thịt nạc, cá mòi, cá trích, cá cơm, nội tạng và phủ tạng như gan, thận, óc, lòng…

- Ăn nhiều thực vật có tốc độ tăng trưởng nhanh: nấm, măng tây, giá đỗ…

- Lạm dụng thức uống giàu caffeine như trà đặc, cà phê và uống nhiều bia rượu,…

- Ăn nhiều trái cây có vị chua, dưa muối chua, nem chua…

- Uống nhiều nước ngọt có ga, bánh ngọt, kẹo, thức ăn nhanh…

- Ít vận động, thừa cân béo phì.

Chế độ ăn cho người bị gout

Dinh dưỡng và lối sống thiếu lành mạnh gây ra bệnh gout (Nguồn ảnh: ST)

III. Chế độ ăn cho người bị gout (gút)

Bệnh gout (gút) là bệnh khớp duy nhất mà chế độ dinh dưỡng đóng vai trò quyết định trong việc ngăn ngừa và điều trị các triệu chứng.

1. Người bị bệnh gout nên ăn gì?

Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh với thực phẩm đúng là “liều thuốc” hữu hiệu nhất cho người bệnh gout. Nguyên tắc khi thiết lập chế độ ăn cho người bị gout:

- Tăng chất bột đường.

- Giảm bớt đạm.

- Giảm béo, và ưu tiên sử dụng chất béo không no.

- Tăng lượng chất xơ, vitamin và khoáng chất (đặc biệt là các thực phẩm giàu canxi và vitamin D).

- Uống đủ nước (2 - 2.5 lít/ngày).

Chế độ ăn cho người bị gout

5 nguyên tắc thiết lập chế độ ăn cho người bị gout.

► Một số thực phẩm tốt cho người bị gout như:

  • Thịt gà, cá (khoảng 100 - 120g/ngày)
  • Ngũ cốc
  • Trứng
  • Sữa và các chế phẩm từ sữa
  • Các loại hạt có dầu: mắc ca, óc chó, hạnh nhân…
  • Các loại trái cây tươi
  • Các loại rau, củ: xà lách, cà rốt, bắp cải, cải xanh, bí, củ cải, khoai lang…

Chế độ ăn cho người bị gout

Thực phẩm tốt cho người bị gout (gút)

2. Bệnh gout nên kiêng ăn gì?

Người bị bệnh gút không nên ăn các loại thực phẩm như:

  • Thịt đỏ, thịt lợn, thịt cừu, nội tạng, phủ tạng như gan, cật, thận, óc, lòng…
  • Hải sản, đặc biệt động vật có vỏ như tôm, cá cơm, cá mòi…
  • Các loại thực phẩm có tốc độ tăng trưởng nhanh như măng tây, giá đỗ, nấm, dọc mùng…
  • Đậu hạt nói chung nhất là đậu Hà Lan, đậu trắng, đậu đỏ, đậu xanh.
  • Rượu bia, cà phê, nước ngọt có ga, nước ép trái cây, đồ ăn nhanh…
  • Những thức ăn chua như nem chua, dưa hành muối, canh chua, hoa quả chua… 

Chế độ ăn cho người bị gout

Những thực phẩm người bị gout nên kiêng ăn.

3. Thiết lập chế độ ăn cho người bị gout

Dù là người bình thường hay đang có vấn đề về sức khỏe thì chế độ ăn hàng ngày vẫn phải đảm bảo đủ 6 nhóm chất quan trọng như chất bột đường, chất đạm, chất béo, chất xơ, vitamin và khoáng chất. Riêng đối với người bị bệnh gout, tỉ lệ các nhóm chất dinh dưỡng sẽ có sự thay đổi như sau:

  • Tăng chất bột đường, chiếm trung bình 65 - 70% năng lượng khẩu phần.
  • Giảm chất đạm, chiếm trung bình 10 - 12% năng lượng khẩu phần.
  • Giảm béo, chiếm trung bình 15 - 20% năng lượng khẩu phần.

 

(*Nhu cầu năng lượng khẩu phần: trung bình là 30 calo/kg/ngày).

Ví dụ: Một người bệnh gout có cân nặng (chuẩn so với chiều cao) là 70kg thì nhu cầu năng lượng hàng ngày là 2.100 calo/ngày. Từ đó, ta tính được năng lượng cần thiết cho mỗi nhóm chất dinh dưỡng như sau:

- Chất bột đường (65 - 70%): tức 1.260 - 1.470 calo => 1 ngày cần 315 - 368g chất bột đường (1g chất bột đường chứa 4 calo).

- Chất đạm (10 - 12%): tức 210 - 250 calo => 1 ngày cần 52 - 63g chất đạm (1g chất đạm chứa 4 calo).

- Chất béo (15 - 20%): tức 315 - 420 calo => 1 ngày cần 35 - 46g chất béo (1g chất béo chứa 9 calo).

Chế độ ăn cho người bị gout

Thiết lập chế độ ăn cho người bị gout cần đảm bảo đủ các chất dinh dưỡng cần thiết.

♦ Lưu ý:

- Với người bệnh gout có kèm bệnh tiểu đường, năng lượng từ chất bột đường vẫn duy trì ở mức cao 55 - 60% năng lượng khẩu phần nhưng các bữa ăn được chia nhỏ (từ 8 - 10 bữa/ngày). Ưu tiên các loại chất bột đường phức (ngũ cốc nguyên cám) và hạn chế chế biến làm tăng đường huyết như nướng, bỏ lò, chiên rán…

- Người bị gout hạn chế các loại đậu đỗ nên khả năng thiếu hụt vitamin nhóm B rất cao. Do đó, người bị gout có thể bổ sung vitamin B bằng đường uống (tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng).

IV. Kết luận

Việc thay đổi lối sống và thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh là một trong những nhân tố quyết định sức khỏe lâu dài và giúp ngăn ngừa bệnh tật. Hi vọng những chia sẻ về chế độ ăn cho người bị gout trên đây sẽ giúp bạn cải thiện tình trạng bệnh và sống khỏe mạnh hơn.