TẠI SAO ĂN MẶN LẠI TĂNG HUYẾT ÁP?

Cao huyết áp ngày càng trở nên nghiêm trọng và nguy hiểm hơn trước, không chỉ xuất hiện ở người lớn tuổi mà ngay cả các thanh niên trẻ cũng đang mắc phải căn bệnh này. Và ăn mặn là một trong những nguyên nhân chính gây huyết áp cao. Vậy tại sao ăn mặn lại tăng huyết áp?

1. Vì sao ăn mặn lại tăng huyết áp?

Cao huyết áp còn được gọi là chứng tăng huyết áp - một bệnh lý mạn tính không lây liên quan đến dinh dưỡng và lối sống. Các tác nhân khiến huyết áp tăng gồm ăn mặn, béo phì, uống quá nhiều đồ uống có cồn và hút thuốc...

Hầu hết các món ăn mặn chiếm tỉ lệ muối khá cao. Muối, đặc biệt là natri, có mặt một cách tự nhiên trong một số thực phẩm nhất định, chẳng hạn như cần tây, củ dền và sữa. Hơn nữa, nguồn natri giấu mặt này còn có trong các thực phẩm chế biến sẵn và thực phẩm đóng hộp...

tại sao ăn mặn lại tăng huyết áp

Thức ăn làm sẵn, đóng hộp có hàm lượng natri khá cao (Nguồn ảnh: ST)

Ví dụ: Súp đóng hộp chứa nồng độ muối bằng huyết thanh của bạn (độ mặn khoảng 1%). Và một số đồ ăn chế biến sẵn có thể chứa lượng muối tương đương với nước biển (3%). Ngoài ra, một nguồn cung cấp muối ẩn nữa là muối nở (tức natri bicarbonate) trong các đồ ăn nướng.

Do đó, việc ăn mặn trong thời gian dài sẽ khiến lượng natri trong máu tăng cao. Kết quả là thận sẽ lọc bỏ ít nước ra khỏi máu hơn làm tăng cung lượng tim, gây ra tình trạng tăng huyết áp.

tại sao ăn mặn lại tăng huyết áp

Natri có nhiều trong muối, là tác nhân gây tăng huyết áp (Nguồn ảnh: ST)

2. Tại sao huyết áp tăng lại nguy hiểm?

Phần lớn người bệnh tăng huyết áp thường không có triệu chứng rõ rệt. Vì vậy người bệnh cao huyết áp chỉ được phát hiện một cách tình cờ khi đo huyết áp thường quy hay khi đã có biến chứng. Các triệu chứng gồm nhức đầu, xây xẩm, hồi hộp, chóng mặt, toát mồ hôi...

Mặc dù không có triệu chứng rõ rệt, nhưng nếu không được điều trị, dần dần tim sẽ to ra và hoạt động kém hiệu quả hơn. Một cách chậm rãi, các mạch máu, thận, mắt và các bộ phận khác của cơ thể có thể bị thương tổn.

Khi huyết áp tăng cao, thành động mạch sẽ trở nên dày và khỏe hơn, các động mạch sẽ bị hẹp lại, đe dọa, làm chậm hay thậm chí là chặn dòng chảy của máu. Điều này làm gia tăng nguy cơ đau tim, suy tim và đột quỵ...

tại sao ăn mặn lại tăng huyết áp

Huyết áp cao làm tăng nguy cơ suy tim và đột quỵ (Nguồn ảnh: ST)

► Huyết áp bao nhiêu là bị tăng huyết áp?

Đo huyết áp khi tim đang đập sẽ cho ta các giá trị tâm thu và tâm trương. Một chỉ số huyết áp khỏe mạnh trung bình là dưới mức 120/80 (tâm thu/tâm trương). Một người được xem là bị tăng huyết áp nếu chỉ số của họ cao hơn con số này trong một giai đoạn kéo dài.

tại sao ăn mặn lại tăng huyết áp

Dùng máy đo huyết áp để xác định giá trị tâm thu và tâm trương (Nguồn ảnh: ST)

  • Huyết áp < 90/60 (tâm thu/tâm trương): huyết áp thấp.
  • 90/60 (tâm thu/tâm trương) < huyết áp < 120/80 (tâm thu/tâm trương): huyết áp bình thường.
  • 120/80 (tâm thu/tâm trương) < huyết áp < 140/90 (tâm thu/tâm trương): tiền tăng huyết áp.
  • 140/90 (tâm thu/tâm trương) < huyết áp < 160/100 (tâm thu/tâm trương): tăng huyết áp giai đoạn 1.
  • 160/100 (tâm thu/tâm trương) < huyết áp < 180/100 (tâm thu/tâm trương): tăng huyết áp giai đoạn 2.

 

Song mặc dù tăng huyết áp là căn bệnh nguy hiểm nhưng “kẻ giết người thầm lặng” này có thể ngăn ngừa và chữa trị được thông qua những thay đổi về chế độ ăn và lối sống.

3. Phòng ngừa tăng huyết áp bằng dinh dưỡng hợp lý và lối sống an toàn

- Duy trì ổn định cân nặng ở mức lý tưởng (BMI = 18,5 - 23).

- Tập luyện thói quen dinh dưỡng hợp lý:

  • Ăn vừa đủ nhu cầu năng lượng cho hoạt động hằng ngày.
  • Ăn uống đa dạng các loại thực phẩm.
  • Ăn cân đối giữa các bữa ăn trong ngày và cân đối các chất dinh dưỡng trong mỗi bữa ăn.
  • Ăn thực phẩm tươi sống, ít qua bảo quản và chế biến đơn giản.

 

- Giảm lượng muối ăn vào < 5g/ngày/người (tương đường 1 muỗng cà phê muối - dưới 2g natri/ngày) - bao gồm phần cho thêm vào thức ăn và phần có sẵn trong thực phẩm như các loại cá khô, nước mắm, muối, thực phẩm đóng hộp,...

- Hạn chế chất cồn: sử dụng tối đa 1 lon bia 330ml (5 - 7 độ rượu) đối với nữ và tối đa 2 lon bia 330ml đối với nam.

- Gia tăng thực phẩm thô: ngũ cốc nguyên vỏ nguyên hạt, khoai củ, rau, trái cây tươi (khoảng 500 - 600g trái cây và rau củ mỗi ngày). Hạn chế thức ăn giàu đường đơn (tinh bột trắng, đường cát trắng,...).

- Gia tăng lượng kali và canxi trong khẩu phần ăn (có trong các loại cá, đậu hủ, rau, trái cây...).

- Không hút thuốc lá, kể cả hít phải khói thuốc.

- Kiểm soát được stress, ngủ đủ giấc và nghỉ ngơi hợp lý sau công việc.

- Tăng cường hoạt động thể lực và duy trì luyện tập tích cực ít nhất 30 phút/ngày trong 5 - 7 ngày/tuần.

tại sao ăn mặn lại tăng huyết áp

Tập luyện thói quen dinh dưỡng hợp lý để phòng ngừa tăng huyết áp (Nguồn ảnh: ST)

3.1. Nhu cầu năng lượng hằng ngày cho người tăng huyết áp

Đối với người tăng huyết áp có thừa cân - béo phì:

Nhu cầu năng lượng vào khoảng 24 - 26 calo/kg/ngày (tính trên cân nặng hiện tại) hoặc 28 - 30 calo/kg/ngày (tính trên cân nặng lý tưởng so với chiều cao). Lưu ý chia nhỏ thành nhiều bữa ăn cách đều nhau.

► Đối với người tăng huyết áp có suy dinh dưỡng:

Nhu cầu năng lượng trung bình là 35 calo/kg/ngày. Lưu ý chia nhỏ thành nhiều bữa ăn cách đều nhau.

► Đối với người tăng huyết áp có thể trạng bình thường:

Nhu cầu năng lượng trung bình là 30 calo/kg/ngày.

3.2. Cân đối chất dinh dưỡng trong mỗi bữa ăn cho người tăng huyết áp

  • Nhu cầu chất bột đường:

- Đối với người tăng huyết áp không bị thừa cân béo phì và không bị bệnh tiểu đường: chiếm 60 - 70% năng lượng khẩu phần, trong đó lượng chất bột đường thô chiếm ít nhất 70% tổng số chất bột đường.

- Đối với người tăng huyết áp có thừa cân - béo phì: chiếm 60 - 65% năng lượng khẩu phần, trong đó lượng bột đường thô chiếm 90% tổng lượng chất bột đường.

- Đối với người tăng huyết áp có kèm tiểu đường: chiếm tối thiểu 55% năng lượng khẩu phần. Lưu ý, chia nhỏ thành 6 - 8 bữa ăn nhỏ trong ngày và ưu tiên sử dụng các thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp.

  • Nhu cầu chất đạm:

Nhu cầu đạm chiếm khoảng 15% năng lượng khẩu phần, trong đó đạm động vật chiếm 30 - 35% tổng số protein, 65 - 70% còn lại là đạm thực vật. Ưu tiên các loại thịt trắng (cá, gia cầm...), hạn chế thịt đỏ (thịt bò, thịt heo...).
  • Nhu cầu chất béo:

Nhu cầu chất béo chiếm khoảng 15 - 20% năng lượng khẩu phần. Ưu tiên chọn chất béo không bão hòa (dầu đậu phộng, dầu oliu, quả bơ, hạt mắc ca, cá thu, cá hồi...). Hạn chế chất béo bão hòa (bơ thực vật, mỡ động vật, bánh kem, bánh bông lan...) và chất béo chuyển hóa (khoai tây chiên, thức ăn nhanh, mì tôm...)

4. Kết luận

Hi vọng những chia sẻ trên đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn lí do tại sao ăn mặn lại tăng huyết áp. Qua đó, bạn sẽ biết lựa chọn cho mình những món ăn lành mạnh hơn, hạn chế những món ăn chứa nhiều muối để có một cuộc sống khỏe mạnh và ít bệnh tật.