CÂN ĐỐI VITAMIN A TRONG CƠ THỂ TỪ NGUỒN THỰC PHẨM TỰ NHIÊN

Vitamin A từ lâu đã được biết đến là một loại dưỡng chất rất tốt cho thị lực và có hàm lượng chất chống oxy hóa cao. Nhưng nếu mất đi sự cân bằng - thiếu hụt hoặc dư thừa - vitamin A sẽ gây tác hại gì cho sức khỏe? Hãy cùng mình khám phá chi tiết trong nội dung sau đây nhé.

1. Vitamin A có tác dụng gì với cơ thể?

Vitamin A là loại vitamin tan trong chất béo đầu tiên được nhận biết. Thực phẩm nguồn gốc thực vật có màu vàng cam, đỏ đậm, xanh đậm... cung cấp beta carotene (một loại tiền chất của vitamin A). Chất này khi vào cơ thể sẽ được chuyển hóa thành vitamin A dưới dạng retinol rất tốt cho thị lực.

vitamin A

Vitamin A là gì? (Nguồn ảnh: ST)

► Vitamin A có tác dụng:

- Giúp tăng trưởng về thể chất (cân nặng và chiều cao): nhờ tác dụng xúc tác tăng chuyển hóa các chất trong cơ thể và biệt hóa tế bào.

- Bảo vệ cơ thể chống nhiễm trùng: giúp tăng cường hoạt động của hệ thống miễn dịch cả về số lượng lẫn về chất lượng.

- Nuôi dưỡng và tái tạo lớp biểu mô niêm mạc, lớp thượng bì của da.

- Bảo vệ phòng chống ung thư: nhờ chất chống oxy hóa beta-carotene giúp bảo vệ tế bào khỏi sự tấn công của các gốc oxy hóa tự do.

- Rất quan trọng với thị giác: Vitamin A bảo vệ và nuôi dưỡng giác mạc mắt cũng như bảo vệ và nuôi dưỡng các niêm mạc khác trong cơ thể nên thiếu vitamin A dẫn đến tình trạng giác mạc bị khô, đục, nếu nặng hơn giác mạc bị phá hủy toàn bộ.

vitamin A

Vitamin A là dưỡng chất rất quan trọng cho thị giác (Nguồn ảnh: ST)

2. Mức nhu cầu vitamin A mỗi ngày là bao nhiêu?

Vitamin A nên được bổ sung theo liều lượng khuyến cáo của bác sĩ. Nếu sử dụng vừa hay thấp hơn mức vitamin A cho phép trong một ngày thì sự thiếu hụt có thể bổ sung sau. Nhưng nếu quá liều vitamin A cho phép hằng ngày sẽ gây ngộ độc nguy hiểm. 

Vitamin A được quy về giá trị tương đương với retinol hoạt động (RAE) và đơn vị đo thường là microgram (mcg), kí hiệu đơn vị là μg. Ngoài ra, vitamin A cũng thường được đo lường bằng đơn vị quốc tế (IU), 1 IU = 0,3 μg RAE.

  • Đối với phụ nữ và nam giới từ 15 tuổi trở lên, nhu cầu vitamin A được đặt lần lượt là 650 và 750 μg RAE/ngày. 
  • Đối với bà bầu thì nhu cầu vitamin A cho thời kỳ mang thai là 800 μg RAE/ngày, cho thời kỳ cho con bú là 850 μg RAE/ngày. 
  • Đối với trẻ em từ 1 – 14 tuổi, nhu cầu tăng theo tuổi từ 350 đến 600 μg RAE/ngày. 
 
Lưu ý: Phụ nữ mang thai không có chỉ định uống bổ sung vitamin A trong bất kỳ giai đoạn nào của thai kỳ. 
 

vitamin A

Bổ sung vitamin A cho trẻ theo liều lượng khuyến nghị (Nguồn ảnh: ST)

3. Vitamin A có trong thực phẩm nào?

Vitamin A được tìm thấy trong nhiều loại thực phẩm, bao gồm trong thịt động vật hay trong các loại rau củ, hoa quả. Sự đa dạng nguồn gốc vitamin A từ động vật và thực vật giúp chúng ta có nhiều lựa chọn thực phẩm để bổ sung vitamin A khi cần thiết. 

Thực phẩm giàu vitamin A nhất là gan động vật, dầu gan cá, trứng, sữa và các chế phẩm từ sữa. Hoặc các loại thực phẩm có nguồn gốc thực vật cung cấp caroteonid thường có màu vàng cam, đỏ đậm, xanh đậm như cà rốt, dưa hấu, bông cải xanh, gấc, rau dền, rau ngót...

vitamin A

Thực phẩm giàu beta carotene thường có màu vàng cam, đỏ đậm, xanh đậm... (Nguồn ảnh: ST)

Tên thực phẩmĐơn vị μg / 100g
Gan gà6960
Gan heo6000
Gan bò5000
Gan vịt2960
Lươn1800
Trứng vịt lộn875
Trứng gà700
Trứng vịt360
Thịt vịt270
Cá chép181

Thực phẩm giàu vitamin A

Tên thực phẩmĐơn vị μg / 100g
Gấc52520
Rau ngót6650
Rau húng5550
Tía tô5520
Rau dền cơm5300
Cà rốt5040
Cần tây5000
Rau kinh giới4360
Dưa hấu4200
Rau dền đỏ4080
Lá lốp4050
Ngò3980
Rau thơm3560
Rau muống2280
Đu đủ chín2100
Rau lang1830
Quýt1625
Rau mồng tơi1920
Cải xanh1855
Thìa là2850

Thực phẩm giàu beta carotene

♦ Lưu ý: vitamin A và tiền chất beta-carotene đều là các dạng hợp chất hữu cơ tan trong dầu, nên thức ăn cung cấp vitamin A cần được chế biến kèm với chất béo để hấp thu và chuyển hóa diễn ra tốt nhất.

>> Tham khảo: Các loại hóa chất thực vật có lợi trong thực phẩm.

4. Thiếu hoặc thừa vitamin A gây ảnh hưởng gì đến sức khỏe?

Việc thiếu hay thừa vitamin A trong cơ thể gây một số biến chứng. Cho nên, chúng ta cần nhận biết về việc thừa hay thiếu vitamin A nhằm có phương pháp giải quyết tốt nhất.

4.1. Sự thiếu hụt vitamin A

Vitamin A trong cơ thể được dự trữ trong tế bào gan với một lượng lớn gấp nhiều lần nhu cầu hằng ngày. Chính vì vậy, khi có triệu chứng thiếu hụt vitamin A, chứng tỏ nguồn dự trữ vitamin A đã cạn kiệt, tức là tình trạng cung cấp thiếu đã xảy ra một thời gian dài trước đó.

Với những người lớn khỏe mạnh, thời gian này có thể kéo dài đến hàng năm nhưng với trẻ em thường không nhiều hơn vài tháng. Do đó, cần chú ý đến chuyện bổ sung vitamin A ngay ở những trẻ có nguy cơ từ khi chưa có biểu hiện bệnh:

  • Suy dinh dưỡng nặng.
  • Suy dinh dưỡng kèm ho gà, lao, sởi hoặc có biểu hiện nhiễm trùng tái phát nhiều lần ở đường hô hấp, tiết niệu, tiêu hóa, ngoài da...
 
Ngoài ra, sự thiếu hụt vitamin A xảy ra ở người lớn hay trẻ em là do không ăn rau củ, trái cây, và sữa (trẻ sơ sinh thiếu hụt vitamin A do cai sữa mẹ sớm). Hoặc thiếu hụt vitamin A là do thiếu đạm (do bệnh lý hay do suy dinh dưỡng) vì thiếu RBP - một loại protein có chức năng chuyên chở vitamin A trong máu.
 

vitamin A

Thiếu vitamin A gây hại cho mắt như giác mạc bị khô, đục, đỏ, ngứa...(Nguồn ảnh: ST)

4.2. Dư thừa vitamin A

Ngộ độc vitamin A và beta-carotene rất hiếm khi do cung cấp dư thừa qua đường ăn uống, mà thường xảy ra do bổ sung dưới dạng thuốc liều cao, nhất là trong trường hợp suy dinh dưỡng nặng.

Ngộ độc vitamin A có một số biểu hiện như: nôn ói, đau bụng, tiêu chảy, tán huyết, xuất huyết, nhìn mờ, hôn mê, co giật... Và beta-caroten trong thực phẩm nếu cung cấp dư thừa có thể gây tình trạng vàng da lành tính do dự trữ trong mô mỡ dưới da, nhưng không có biểu hiện ngộ độc.

vitamin A

Vàng da là dấu hiệu cơ thể thừa beta-carotene từ chế độ ăn (Nguồn ảnh: ST)

5. Kết luận

Việc cân đối sử dụng vitamin A rất cần thiết nhằm giúp cơ thể không mắc các chứng bệnh do thiếu hụt vitamin A nghiêm trọng như mờ mắt, giảm thị lực, quáng gà, mù lòa... Bên cạnh đó, bạn cũng nên bổ sung vitamin A theo đúng nhu cầu cơ thể để tránh tình trạng bị ngộ độc do dư thừa quá mức.

>> Xem thêm: Vitamin B có tác dụng gì cho sức khỏe?