BẠN CÓ BỊ NGHIỆN ĐỒ ĂN VẶT NGỌT?
Trà sữa, bánh kem, bánh ngọt, nước ngọt, socola… có phải là những món đồ ăn vặt ngọt bạn yêu thích và không thể rời mắt mỗi khi nhìn thấy? Thật không may, đây chính là những món ăn vặt gây nghiện, khiến bạn càng ăn càng thèm và lại càng muốn ăn nhiều hơn.
I. Khám phá đồ ăn vặt ngọt
1. Đồ ăn vặt ngọt
Có thể bạn chưa nhận ra, có 3 vị trong thức ăn sẽ khiến bạn say đắm mỗi ngày, đó là vị ngọt, mặn và béo. Mình đoán nhé, có phải bạn đang nghĩ đến bánh bông lan phô mai trứng muối, bánh tráng trộn, snacks, trà sữa… đúng không nè.
Đồ ăn vặt ngọt có mặt trong mọi ngóc ngách của cuộc sống, từ hình ảnh hấp dẫn trên màn hình tivi cho đến những kệ hàng bày biện đẹp mắt khắp các con phố. Vậy nên, để từ chối chúng thật sự là điều quá khó và muốn bỏ quên chúng cũng cần một ý chí thật mạnh mẽ.
Đồ ăn vặt ngọt hấp dẫn khó cưỡng (Nguồn ảnh: ST)
2. Sự thật về đường fructose
Hầu hết các đồ ăn vặt ngọt đều chứa một loại đường, gọi là fructose. Fructose ở dạng tự nhiên là chất tạo ngọt có trong trái cây và các loại thực phẩm khác. Đường fructose có chỉ số đường huyết (GI) thấp, nhưng sự thật là quá nhiều fructose có thể làm hỏng gan và tăng triglyceride (chất béo).
Hầu hết đồ ăn vặt ngọt đều chứa đường fructose (Nguồn ảnh: ST)
Fructose không chuyển hóa như glucose. Trong cơ thể, chỉ có gan mới sử dụng được fructose. Tuy nhiên, gan chỉ dự trữ một lượng hạn chế và khi dự trữ đến mức tối đa, phần còn lại của fructose sẽ được chuyển hóa thành triglyceride (chất béo).
Chất béo này sẽ được vận chuyển và lưu trữ ở khắp cơ thể, gây tăng cân. Do đó, việc lạm dụng fructose có thể gây tăng mức chất béo triglycerides, dẫn đến béo phì. Ngoài ra, quá nhiều fructose có thể gây ra bệnh gan nhiễm mỡ, viêm tụy hoặc tiểu đường type 2…
II. Vì sao đồ ăn vặt ngọt và đường gây nghiện và béo phì?
1. Vì sao đồ ăn vặt ngọt gây nghiện?
Khi đường vào trong cơ thể, tuyến tụy buộc phải nhanh chóng tiết ra một lượng lớn insulin để xử lý lượng đường này. Việc tăng vọt insulin sẽ làm giảm đáng kể đường huyết, khiến cơ thể cố gắng bù lại bằng cách kích thích cảm giác thèm đồ ngọt. Đây cũng là nguyên nhân vì sao đường lại gây nghiện.
Quá trình nghiện đồ ngọt này cũng giống như nghiện rượu. Khi ta ăn đồ ngọt, cơ thể tạo ra chất dopamine – chất dẫn truyền thần kinh sảng khoái. Dần dần, cơ thể muốn tìm thêm đường nhiều hơn để tăng cảm giác này.
Càng ăn đồ ăn vặt ngọt, càng dễ bị nghiện (Nguồn ảnh: ST)
2. Tại sao ăn nhiều đường lại béo phì?
Khi cơ thể nạp chất bột đường hoặc những thực phẩm/thức uống có GI cao, tuyến tụy sẽ sản xuất ra insulin để điều hòa lượng đường trong máu. Insulin làm cho cơ thể dự trữ chất béo bằng cách thu nhận glucose dư thừa hoặc các axit béo vào nơi gọi là “mô mỡ”, thường tập trung xung quanh bụng, hông và đùi.
Đồng thời, mức insulin cao không cho cơ thể sử dụng chất béo làm nhiên liệu, nên cơ thể không thể đốt chất béo. Bạn hãy tưởng tượng, cơ thể không đốt được chất béo thì bạn sẽ trở nên “phát tướng” như thế nào!
Ăn nhiều đồ ngọt gây béo phì (Nguồn ảnh: ST)
Ngoài ra, mức insulin cao ngăn cơ thể phân hủy glycogen để chuyển thành glucose khi mức đường huyết giảm xuống. Và do không thể đốt chất béo hoặc phân hủy glycogen để cung cấp năng lượng cho các tế bào, nên cơ thể sẽ khiến ta thèm chất bột đường, đặc biệt là đồ ngọt, để có được lượng đường cần thiết.
Và cứ như thế, khi ta ăn các loại đồ ngọt này, lượng đường dư thừa sẽ lại được chuyển thành chất béo, và mức insulin sẽ lại tăng cao hơn. Chu kỳ này lặp lại, quần áo sẽ trở nên chật hơn và bạn sẽ trở nên thừa cân, béo phì.
III. Thay thế đường trong đồ ăn vặt ngọt bằng chất tạo ngọt, liệu có tốt không?
Chất tạo ngọt nhân tạo hoặc tự nhiên, ngọt hơn rất nhiều lần so với đường thông thường nhưng chúng không gây sâu răng và mục răng. Tại Mỹ, một số chất tạo ngọt nhân tạo thay thế đường được chấp thuận sử dụng là: aspartame, acesulfame kali, saccharin, sucralose, và neotame.
Chất tạo ngọt thay thế đường
Chất tạo ngọt nhân tạo hầu như không có calo và được sử dụng làm soda ăn kiêng hoặc thức uống không đường. Những đồ uống “không đường” này tuy không có calo, nhưng cảm giác thèm chất ngọt và tinh bột có thể mạnh đến mức ta sẽ ăn nhiều calo hơn.
Điều này có nghĩa là bạn sẽ có nguy cơ tăng cân cao hơn khi dùng soda ăn kiêng hoặc các thức uống không có calo khác. Vì vậy, bạn nên hạn chế dùng chất tạo ngọt nhân tạo trong mỗi bữa ăn.
► Một số chất tạo ngọt nhân tạo thay thế cho đường:
CHẤT TẠO NGỌT | SỐ LẦN NGỌT HƠN SUCROSE |
Saccharin | 300 |
Aspartame | 160 – 200 |
Sucralose | 600 |
Các chất tạo ngọt nhân tạo.
Hiện nay, hầu hết các thực phẩm và gia vị được làm ngọt bằng chất tạo ngọt nhân tạo. Do đó, để tránh chúng hoàn toàn thì thật khó. Hoặc nếu không, bạn có thể sử dụng một số thực phẩm ngọt tự nhiên thay thế đường để đa dạng thêm sự lựa chọn cho mình.
IV. Kết luận
Song, dẫu biết ăn nhiều đồ ăn vặt ngọt và đường dễ gây nghiện và béo phì nhưng nếu lượng đường quá thấp cũng ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe. Vì vậy, điều quan trọng là cơ thể cần duy trì một mức đường huyết ổn định, không quá nhiều cũng không quá ít.
>> Xem thêm: Làm cách nào thoát khỏi chứng nghiện đồ ngọt?