VITAMIN C CÓ TÁC DỤNG GÌ?
Vitamin C được xem là loại vitamin rất thông dụng trong thời đại hiện nay. Giữa mùa dịch covid thì vitamin C lại càng khẳng định vai trò "lá chắn thép" của mình hơn nữa. Vậy vitamin C có tác dụng gì? Hãy cùng mình khám phá những công dụng tuyệt vời của loại vitamin này nhé.
I. Vitamin C có tác dụng gì cho sức khỏe?
Vitamin C hay acid ascorbic rất cần thiết trong một loạt các phản ứng trao đổi chất của cơ thể. Vitamin C có chức năng miễn dịch, tham gia sản xuất một số chất dẫn truyền thần kinh và hormone, đồng thời tổng hợp carnitine, hấp thụ và sử dụng các yếu tố dinh dưỡng khác.
Vitamin C (Nguồn ảnh: ST)
1. Chất chống oxy hóa
Vitamin C cung cấp điện tử (electron) rất dễ dàng, vì vậy có tác dụng trung hòa điện tử các gốc oxy hóa rất hiệu quả. Tác dụng này càng hiệu quả hơn khi vitamin C có độ hòa tan trong nước khá cao và hiện diện thường xuyên trong máu nên dễ dàng tiếp xúc với các gốc oxy hóa.
Và do có tác dụng bảo vệ sự nguyên vẹn của tế bào nên vitamin C được xem là chất dinh dưỡng có tác dụng ngăn ngừa lão hóa rất tốt.
Vitamin C có tác dụng ngăn ngừa lão hóa rất tốt (Nguồn ảnh: ST)
2. Tổng hợp collagen
Collagen được tổng hợp bởi sự liên kết các amino acid thành chuỗi bằng phản ứng dehydroxy. Quá trình này cần có sự hiện diện của chất sắt. Vitamin C bảo vệ sắt khỏi bị oxy hóa để cung cấp cho phản ứng này. Vì vậy, thiếu sắt và vitamin C, phản ứng tổng hợp collagen không thể xảy ra.
3. Hỗ hợ hấp thu các chất khoáng vi lượng (sắt, kẽm...)
Trong cơ thể, vitamin C giúp các chất khoáng vi lượng (sắt, kẽm...) giải phóng khỏi dạng dự trữ, bảo vệ các chất này khỏi bị oxy hóa và qua đó giúp các vi khoáng này hoàn tất vai trò của mình với sức khỏe.
4. Tăng sức đề kháng
Có rất nhiều nghiên cứu về tác dụng của vitamin C trong việc điều trị cảm cúm và giúp tăng cường hệ miễn dịch. Vitamin C có thể làm giảm các biến chứng nặng và rút ngắn thời gian nhiễm bệnh.
Mặc dù chỉ với liều thấp, vitamin C cũng có thể làm cải thiện đáng kể các triệu chứng lâm sàng. Hiện người ta cũng sử dụng vitamin C cho các trường hợp nhiễm trùng cấp tính, đặc biệt là ở người lớn tuổi.
5. Tăng cholesterol tốt
Nhiều nghiên cứu và quan sát cho thấy nồng độ vitamin C tỷ lệ thuận với nồng độ cholesterol và HDL cholesterol trong máu. Nếu tăng HDL 1% thì nguy cơ bệnh tim mạch giảm 4%.
Ngay cả những người bình thường khỏe mạnh có chế độ dinh dưỡng tốt, nồng độ vitamin C trong máu bình thường thì việc cung cấp thêm vitamin C qua chế phẩm bổ sung vẫn có lợi.
6. Giai đoạn hồi phục sau mổ
Vitamin C bổ sung cần thiết cho các bệnh nhân trong giai đoạn hồi phục sau mổ nói chung và hậu phẫu cầu nối mạch vành nói riêng. Bởi sự cạn kiệt nguồn dự trữ vitamin C sẽ làm suy yếu khả năng chống đỡ bệnh tật do các gốc tự do, nhiễm trùng, hàn gắn vết thương trên các bệnh nhân này.
Vitamin C có tác dụng giúp cơ thể hồi phục sau phẫu thuật (Nguồn ảnh: ST)
II. Vitamin C có tác dụng gì cho làn da?
1. Tăng độ đàn hồi cho làn da
Chức năng chủ yếu của vitamin C là sự sản xuất collagen, một protein chính của cơ thể và làn da. Đặc biệt, vitamin C còn cần thiết cho sự lành vết thương, sự mạnh khỏe của nướu răng, và ngăn ngừa các mảng bầm ở da.
2. Tránh tổn thương làn da do tia UV
Vitamin C cũng là một chất dinh dưỡng chống oxy hóa rất quan trọng nên vitamin C làm hạn chế tổn thương da do tiếp xúc với tia cực tím (UV). Các protein vận chuyển vitamin C được gia tăng trong tế bào sừng để đảm bảo làn da được bảo vệ đầy đủ.
3. Ngăn ngừa nếp nhăn cho làn da
Vitamin C tự tổng hợp các protein collagen giúp da mặt đàn hồi, căng bóng nhờ vào quá trình hydroxyl hóa các phân tử collagen của vitamin C. Hơn nữa, có thể tạo lớp da khỏe mạnh hay cải thiện làn da lão hóa bằng hóa trị vitamin C nguyên chất.
Vitamin C giúp ngăn ngừa nếp nhăn cho làn da căng mịn (Nguồn ảnh: ST)
4. Chữa lành vết thương ngoài da
Cơ thể được cung cấp đầy đủ vitamin C sẽ nhanh chóng thúc đẩy quá trình tổng hợp collagen làm lành vết thương. Ngoài ra, vitamin C còn là thành phần quan trọng trong các loại thuốc điều trị vết thương do tai nạn hay vết bỏng nước sôi, bỏng dầu, bỏng lửa…
Chỗ vết thương viêm nhiễm được tăng cường miễn dịch đào thải các tế bào da bị hư tổn để thay thế bằng lớp da mới khỏe mạnh và tươi mới hơn.
5. Phòng ngừa và điều trị mụn trứng cá
Ngày nay người ta ứng dụng tính oxi hóa các gốc tự do, thanh lọc và đào thải lớp dầu nhờn trên bề mặt da, chặn đứng nguồn sống của vi khuẩn gây mụn trứng cá là các tuyến nhờn bài tiết.
Trong ngành thẩm mỹ người ta ứng dụng phương pháp bôi trực tiếp vitamin C nguyên chất tại chỗ vùng da bị mụn. Vitamin C không chỉ trị mụn trứng cá mà còn làm cho vùng da sáng nhẹ, tăng tính đàn hồi và bồi đắp vùng da bị tổn thương.
Vitamin C giúp ngăn ngừa và điều trị mụn trứng cá (Nguồn ảnh: ST)
III. Thừa và thiếu vitamin C gây ảnh hưởng gì đến sức khỏe?
1. Thiếu vitamin C
Tình trạng thiếu vitamin C thường khó gặp nếu con người ăn uống hợp lý và không bị stress. Tuy nhiên, thiếu vitamin C là nguyên nhân gây ra bệnh Scurvy. Biểu hiện của chứng bệnh này là chảy máu chân răng, viêm lợi, đốm bầm đen dưới da mà người ta hay gọi là ‘chó ma cắn’.
Triệu chứng thiếu vitamin C nặng hơn là tăng sừng hóa ở nang lông, tụ máu dưới màng xương, tử vong do chảy máu ồ ạt, thiếu máu cục bộ ở tim.
Đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thì biểu hiện là vết thương hở lâu lành, chảy máu dưới màng xương, nhất là hai chi dưới. Trẻ cũng có dấu hiệu chảy máu dưới da gây vết bầm thâm đen.
Đốm bầm đen dưới da nhưng không đau nhức là dấu hiệu cơ thể thiếu vitamin C (Nguồn ảnh: ST)
2. Thừa vitamin C
Ngộ độc vitamin C là tình trạng rất thường gặp hiện nay do cộng đồng chia sẻ thông tin rộng rãi về công dụng gia tăng sức đề kháng và khả năng chống oxy hóa thần kỳ giúp duy trì tuổi xuân.
Một sai lầm khi nhận thức rằng vitamin C có thể hòa tan trong nước và thải qua đường tiết niệu an toàn. Thực chất, khả năng thải vitamin C của thận có giới hạn nhất định. Nồng đồ tối đa không gây độc là 2000mg/ngày.
Biểu hiện của chứng ngộ độc vitamin C có thể thấy như đau bụng, nôn ói, tiêu chảy, nổi mẩn đỏ trên da. Ngoài ra, nồng độ vitamin C cao trong máu thúc đẩy sự tiến triển của bệnh thống phong (gout), các cơn đau khớp cấp sẽ xảy ra nhanh hơn, nhiều hơn. Đặc biệt, thừa vitamin C còn gây ra bệnh sỏi thận.
Dùng vitamin C quá liều có thể gây đau bụng, nôn ói, tiêu chảy, nổi mẩn đỏ trên da (Nguồn ảnh: ST)
► Nhu cầu khuyến nghị vitamin C hằng ngày ở Việt Nam
- Trẻ em là vào khoảng 15 - 35 mg/ngày.
- Người trưởng thành vào khoảng 70 - 80 mg/ngày.
- Phụ nữ mang thai và cho con bú tăng vào khoảng 85 - 95 mg/ngày.
- Người hút thuốc hoặc bị nhiễm trùng, chấn thương, stress... vào khoảng 95 - 130 mg/ngày.
► Vitamin C có trong thực phẩm nào?
Vitamin C có nhiều nhất trong các loại trái cây họ citrus: cam, chanh, bưởi, kiwi,.. Tuy nhiên, hầu như tất cả các loại rau, trái cây tươi (cà chua, ớt chuông đỏ, dâu tây, súp lơ, bông cải xanh...) đều cung cấp một lượng vitamin C dồi dào cho khẩu phần ăn hằng ngày.
Vitamin C có nhiều trong các loại rau, trái cây tươi (Nguồn ảnh: ST)
IV. Kết luận
Vitamin C là một trong những loại vitamin có nhiều tác dụng hữu ích cho sức khỏe con người đồng thời còn giúp kéo dài thanh xuân với làn da tươi trẻ. Nhưng lưu ý là việc bổ sung vitamin C liều cao cần sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa để phòng tránh những tác dụng phụ không mong muốn.
Nguồn ảnh: Sưu tầm và tổng hợp.
>> Xem thêm: Bổ sung vitamin D bằng cách nào?