VITAMIN K CÓ TÁC DỤNG GÌ CHO SỨC KHỎE?
Vitamin K là một trong các loại vitamin (A, D, E, K) tan trong chất béo rất cần thiết cho cơ thể con người. Vậy vitamin K là gì và vitamin K có tác dụng gì cho sức khỏe? Mời bạn theo dõi tiếp trong nội dung sau đây nhé.
1. Vitamin K là gì?
Vitamin K là một loại vitamin hòa tan trong chất béo, giúp đề phòng và chữa trị một số chứng bệnh liên quan đến quá trình đông máu. Bên cạnh đó, vitamin K còn giúp làm giảm nguy cơ loãng xương. Vitamin K có hai dạng là vitamin K1 và vitamin K2.
Vitamin K là một trong các loại vitamin tan trong chất béo rất cần thiết cho sức khỏe (Nguồn ảnh: ST).
2. Vitamin K có tác dụng gì?
Trong cơ thể con người có một loại protein đông máu có tên là prothrombin gần như là phụ thuộc hoàn toàn vào vitamin K. Khi có mặt vitamin K, prothrombin có thể liên kết canxi hình thành một phần của quá trình đông máu.
Vitamin K cũng có tham gia vào việc tổng hợp các protein cấu trúc của hệ xương. Đối với phụ nữ sau mãn kinh và những người được chẩn đoán mắc bệnh loãng xương, chế độ ăn uống nhiều vitamin K1 hơn có thể làm giảm nguy cơ loãng xương hay nguy cơ gãy xương.
Ngoài ra, những nghiên cứu khác cũng bước đầu cho thấy vai trò của vitamin K trong việc hình thành một loại protein có ảnh hưởng đến cấu trúc khớp, thận và hệ thần kinh.
Vitamin K có vai trò quan trọng trong quá trình đông máu (Nguồn ảnh: ST)
3. Vitamin K có trong thực phẩm nào?
Nguồn bổ sung vitamin K1 chủ yếu từ thực vật, đặc biệt là các loại rau lá xanh, rong biển, tảo...
Vitamin K2 có nguồn gốc từ động vật (gan, trứng, sữa), và các thực phẩm lên men (sữa chua, phô mai, rau củ và đậu nành lên men...).
Dù vậy, nguồn cung cấp vitamin K chủ yếu cho cơ thể không phải qua thực phẩm mà do các vi khuẩn chí thường trú trong đường ruột tạo thành. Lượng vitamin K từ nguồn này chiếm 40 - 70% nhu cầu vitamin K hằng ngày của cơ thể.
Vitamin K có nhiều trong các loại thực phẩm và trong đường ruột (Nguồn ảnh: ST)
4. Thừa hoặc thiếu vitamin K gây tác hại gì đến sức khỏe?
4.1. Thiếu vitamin K
Thiếu vitamin K thường xảy ra nhất ở trẻ sơ sinh và trẻ nhũ nhi, do hoạt động của hệ vi khuẩn đường ruột chưa ổn định và nguồn cung cấp từ thực phẩm chưa có.
Ở người lớn, tình trạng thiếu vitamin K thường gặp ở những người bị rối loạn vi khuẩn đường ruột do dùng kháng sinh kéo dài hoặc do bệnh lý ở đường tiêu hóa làm thay đổi hệ vi sinh vật thường trú đường ruột.
Khi thiếu vitamin K, người thường cảm thấy mệt mỏi, nếu bị té ngã sẽ dễ bị gãy xương. Làn da khô ráp, cảm giác choáng váng khi thay đổi tư thế... Người bị thiếu vitamin K lâu dài sẽ dẫn đến tình trạng loãng xương. Dấu hiệu dễ nhận biết là lưng còng, cơ nhão,...
Ngoài ra, thiếu hụt vitamin K còn làm cho chức năng đông máu bị rối loạn, xuất huyết ở nhiều nơi. Biểu hiện là dù vết đứt tay nhỏ nhưng thời gian cầm máu lâu. Trường hợp nghiêm trọng có thể dẫn đến chảy máu bên trong như xuất huyết dạ dày, xuất huyết não... gây hậu quả và di chứng nặng nề, khó phục hồi.
Thiếu vitamin K làm cho chức năng đông máu bị rối loạn, gây xuất huyết ở nhiều nơi (Nguồn ảnh: ST)
4.2. Thừa vitamin K
Ngộ độc vitamin K rất hiếm gặp dù cũng có một vài trường hợp ở trẻ em và phụ nữ mang thai dùng liều bổ sung quá cao. Các biểu hiện ngộ độc vitamin K cấp tính thường gặp là tán huyết vàng da và các biểu hiện tổn thương thần kinh trung ương.
Vàng da cũng là dấu hiệu của tình trạng ngộ độc vitamin K (Nguồn ảnh: ST)
Lưu ý: Liều cao vitamin K có thể làm giảm tác dụng của các loại thuốc kháng đông dùng trong các bệnh lý mạn tính. Với những người này nên ăn thực phẩm giàu vitamin K ở mức độ vừa phải và không liên tục.
5. Kết luận
Qua bài chia sẻ trên chắc hẳn các bạn đã biết vitamin K có tác dụng gì với con người rồi đúng không nào? Việc hiểu đúng về công dụng của các loại vitamin sẽ giúp chúng ta có chế độ bổ sung hoặc điều chỉnh liều lượng hợp lý để sống khỏe mạnh hơn.
>> Xem thêm: Sự thiếu hụt hoặc dư thừa vitamin A gây tác hại gì cho sức khỏe?