9 DẤU HIỆU MANG THAI (CÓ BẦU) VÀ CÁCH KIỂM TRA CÓ THAI TẠI NHÀ
Không chỉ là trễ kinh, phụ nữ khi mang thai sẽ có những thay đổi cơ thể rất rõ nét. Đó được xem là một tín hiệu thông báo cho các chị em nhìn nhận lại sức khỏe của bản thân để có sự điều chỉnh cho phù hợp. Vậy dấu hiệu mang thai (có bầu) gồm những triệu chứng gì và cách nào để kiểm tra có thai tại nhà?
I. Trễ kinh bao lâu thì có thai?
Đối với phụ nữ có chu kỳ kinh nguyệt đều đặn thì cách dễ nhất để phát hiện có thai là theo dõi ngày kinh. Nếu bạn có quan hệ trong giai đoạn rụng trứng (ngày 14 đến ngày 21 của chu kỳ kinh nguyệt) thì khi đến ngày hành kinh (tức 2 tuần sau) mà kinh nguyệt bị chậm khoảng 3 ngày thì khả năng cao là bạn đã có thai.
Tuy vậy, không phải ai cũng có chu kỳ kinh nguyệt đều đặn để có thể dễ dàng phát hiện mình đang trễ kinh. Do đó, chúng ta sẽ cần có những dấu hiệu mang thai khác để phát hiện kịp thời có thai sớm nhất.
Chậm kinh khoảng 3 ngày khi tới kỳ kinh nguyệt (đều) là dấu hiệu có thai (Nguồn ảnh: ST)
II. 9 dấu hiệu mang thai (có bầu) khi kinh nguyệt không đều?
1. Ngực căng tức
Đây là một trong những dấu hiệu mang thai bạn dễ nhận thấy nhất. Khi “cấn bầu” bạn sẽ thấy vùng ngực có sự thay đổi rõ nét như căng tức, chạm vào thấy đau nhức, núm vú sẫm màu, nhô ra và kích cỡ bầu ngực to hơn bình thường.
Nguyên nhân của dấu hiệu này là do sự thay đổi nội tiết tố trong cơ thể, cụ thể là nồng độ hormone hCG tăng cao khiến vùng ngực có những thay đổi khác thường như vậy. Nhưng bạn yên tâm là cơ thể sẽ tự điều chỉnh và những triệu chứng này sẽ giảm và hết hẳn sau 3 tháng đầu của thai kỳ.
Khi "cấn bầu" sẽ có cảm giác ngực căng tức, đau nhức khi chạm vào (Nguồn ảnh: ST)
2. Táo bón
Tình trạng táo bón xuất hiện nhiều ở những bà mẹ lần đầu mang thai. Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này là do cơ thể tăng nồng độ hormone progesterone. Loại hormone này có chức năng làm giãn các cơ quan trong cơ thể kể cả đường tiêu hóa. Điều này làm cho thức ăn đi xuống ruột chậm hơn dẫn đến tình trạng táo bón.
*Progesterone là một hormone steroid nội sinh được cơ thể người phụ nữ tiết ra ở nửa sau chu kỳ kinh nguyệt. Progesterone chủ yếu tiết ra ở buồng trứng, ngoài ra còn ở nhau thai (trong thời kì mang thai), tuyến thượng thận và giữ vai trò quan trọng trong chu kỳ kinh nguyệt và duy trì thai kỳ.
3. Đầy hơi
Sự gia tăng nồng độ progesterone khi mang thai tác động mạnh mẽ đến đường tiêu hóa. Và đi cùng với triệu chứng táo bón là tình trạng đầy hơi, ợ hơi, khó tiêu. Bạn cũng có thể thấy hiện tượng này xảy ra trước kỳ kinh nguyệt.
Đầy hơi, ợ hơi, khó tiêu là một trong những triệu chứng mang thai (Nguồn ảnh: ST)
4. Tâm trạng thất thường
Đây là một trong những triệu chứng có thai khá phổ biến ở phụ nữ. Nguyên nhân là do nội tiết tố trong cơ thể thay đổi làm ảnh hưởng đến các chất dẫn truyền thần kinh khiến tâm trạng các chị em khi mang thai trở nên thất thường, dễ cáu kỉnh, buồn, nặng nề và tuyệt vọng.
Nếu để lâu ngày có thể dẫn đến chứng trầm cảm khi mang thai. Điều này rất có hại cho bà bầu và thai nhi. Do đó, khi thấy có bất kỳ dấu hiệu nào của tâm trạng đi xuống, hãy tìm sự giúp đỡ từ người thân hoặc đến gặp chuyên gia tâm lý để được tư vấn.
Bà bầu có tâm trạng thất thường, hay buồn và dễ cáu kỉnh (Nguồn ảnh: ST)
5. Mệt mỏi và buồn ngủ
Khi hormone progesterone tăng nhanh trong cơ thể làm cho bà bầu thường xuyên có cảm giác mệt mỏi và buồn ngủ (nghén ngủ). Do đó, các bà bầu luôn cảm thấy mệt mỏi và chậm chạp hơn khi mang thai.
Phụ nữ mang bầu sẽ thấy mệt mỏi và buồn ngủ (Nguồn ảnh: ST)
6. Buồn nôn
Triệu chứng này xuất hiện hầu hết ở phụ nữ có thai và đỉnh điểm nhất là sau 1 hoặc 2 tháng sau khi thụ thai. Cũng có một số trường hợp xuất hiện sớm hơn khoảng 2 tuần. Tuy nhiên, tình trạng này sẽ giảm dần từ tháng thứ 4 và tháng thứ 5 của thai kỳ.
Buồn nôn là triệu chứng dễ nhận biết nhất khi mang thai (Nguồn ảnh: ST)
7. Đi tiểu nhiều, tiểu đêm
Sự thay đổi nội tiết tố trong cơ thể là nguyên nhân làm tăng mức độ lưu thông máu qua thận. Điều này làm cho bàng quang đầy lên nhanh hơn và với sự lớn lên của thai nhi cũng tạo áp lực cho bàng quang khiến các mẹ bầu hay có cảm giác buồn tiểu.
Vì vậy, đi tiểu nhiều là một trong những dấu hiệu mang thai mà chị em cần chú ý.
8. Chảy máu âm đạo
Khi trứng được thụ tinh và được cấy sâu vào niêm mạc tử cung dày, bạn sẽ thấy có dấu hiệu chảy máu âm đạo. Tuy nhiên, tình trạng chảy máu âm đạo khi thụ thai sẽ rất khác với máu của kỳ kinh nguyệt.Màu sắc máu lúc này thường rất ít và có màu nâu và hồng nhạt khác hẳn với màu đỏ sẫm hay đỏ tươi của ngày hành kinh.
9. Thay đổi khẩu vị, tăng cân bất thường
Một trong những dấu hiệu có bầu dễ nhận thấy nhất đó là bạn cảm thấy bị kích thích với mùi thức ăn, có cảm giác thèm ăn và ăn rất ngon miệng.
Bên cạnh đó là dấu hiệu tăng cân bất thường. Ngoài sự thay đổi kích cỡ vòng ngực thì bạn cũng sẽ thấy cơ thể bỗng nhiên nặng nề hơn, mũm mĩm hơn, quần áo chật hơn và cân nặng bỗng nhiên tăng một cách bất thường.
Tăng cân bất thường trong thai kỳ (Nguồn ảnh: ST)
Vậy nên, nếu bạn thấy có một vài triệu chứng như trên đây thì bạn đừng bỏ qua nhé, vì nhiều khả năng là bạn đã mang thai rồi đấy!
III. Cách kiểm tra có thai
Có thể bạn có một số dấu hiệu mang thai như được kể trên, nhưng đôi lúc cũng có thể do cảm tính, do nôn nóng muốn có em bé nên có sự nhầm lẫn với các triệu chứng bệnh khác. Dù sao thì đây chỉ là những dấu hiệu ban đầu, bạn cần kiểm tra lại bằng nhiều phương pháp khác nhau để có kết quả chính xác nhất.
Khi mang thai, trong máu và nước tiểu của bà bầu sẽ xuất hiện hormone hCG (Human Chorionic Gonadotropin). Vì vậy, sẽ có 2 cách kiểm tra có thai là:
- Xét nghiệm máu (thực hiện tại các trung tâm y tế).
- Xét nghiệm nước tiểu (dùng que thử thai tại nhà).
♦ Hướng dẫn thử thai tại nhà và lưu ý khi sử dụng que thử thai
- Thử thai sau từ 2 tuần kể từ ngày quan hệ trong giai đoạn rụng trứng.
- Mua que thử thai tại nhà thuốc. Que thử thai phổ biến và thông dụng hiện nay là loại nhúng que thử thai vào cốc nước tiểu. Hãy đảm bảo que thử thai vẫn còn hạn sử dụng nhé.
- Đi tiểu vào cốc vào lúc sáng sớm (lúc nước tiểu đậm đặc nhất). Để có kết quả chính xác, bạn nên bỏ qua phần nước tiểu ban đầu, và dùng phần nước tiểu ở đoạn giữa hoặc cuối.
- Nhúng que thử thai vào cốc nước tiểu (lưu ý vạch giới hạn max) và chờ kết quả sau 5 - 10 phút.
- Nếu có đủ nồng độ hCG trong nước tiểu, que thử thai sẽ cho kết quả dương tính - hiện 2 vạch (tức là bạn đã có thai).
- Nếu que hiện 1 vạch, bạn chưa có thai hoặc cũng có thể nồng độ hCG quá ít hoặc do bạn thử thai quá sớm. Bạn cần thực hiện lại sau vài ngày để có kết quả tốt nhất.
- Nếu kết quả là 1 vạch đậm và 1 vạch mờ, bạn nên đợi một vài ngày và thử lại sau nhé.
Que thử thai hiện 2 vạch - đã có thai (Nguồn ảnh: ST)
Dùng que thử thai để phát hiện hCG trong nước tiểu là cách kiểm tra có thai tại nhà nhanh, đơn giản và có độ chính xác lên đến 97% nếu dùng đúng cách. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời để phát hiện có thai nhanh chóng. Các mẹ bầu cần làm những việc tiếp theo đây để có một thai kỳ trọn vẹn, an toàn.
IV. Những việc cần làm sau khi có dấu hiệu mang thai, và thử que 2 vạch
1. Ổn định tâm lý
Đối với các chị em khi mới lần đầu mang thai, ít nhiều các chị em sẽ có phần hoang mang, lo lắng. Do đó, việc ổn định tâm lý cho mẹ bầu rất quan trọng vì tâm trạng không tốt trong thai kỳ có thể ảnh hưởng xấu đến mẹ và thai nhi.
Nếu bạn và chồng bạn đón nhận tin mang bầu với sự háo hức, hạnh phúc thì xin chúc mừng gia đình bạn. Hãy luôn giữ niềm vui này và cùng nhau chia sẻ cảm xúc với nhau trong suốt thai kỳ cũng như sau khi sinh bé nhé.
Còn nếu như bạn đón nhận tin mang thai một mình và vẫn chưa chuẩn bị tâm lý sẵn sàng thì hãy giữ bình tĩnh và chia sẻ suy nghĩ, cảm xúc cho người thân và "đối tác" của bạn biết nhé.
Và hãy nhớ rằng có một sinh linh bé bỏng rất đáng yêu đang chờ bạn gặp mặt bạn đó. Hãy trân trọng và đón nhận tin vui này nhé, vì làm mẹ là một điều rất tuyệt vời đấy.
Ổn định tâm lý là việc rất quan trọng đối với phụ nữ đang mang thai (Nguồn ảnh: ST)
2. Khám thai
Bạn có biết, dấu hiệu mang thai ngoài tử cung cũng có các dấu hiệu tương tự như khi mang thai bình thường không. Do đó, để loại trừ trường hợp thai ngoài tử cung và phòng ngừa các biến chứng trong thai kỳ, các mẹ bầu cần đến trung tâm y tế hoặc bệnh viện chuyên khoa để thăm khám càng sớm càng tốt.
Khi khám thai, các mẹ bầu sẽ được làm một loạt xét nghiệm và siêu âm để tính tuổi thai, xem bào thai đã vào tử cung chưa, tim thai thế nào... để có sự chuẩn bị và chăm sóc sức khỏe tốt nhất.
Khám thai sau khi que thử thai có kết quả 2 vạch càng sớm càng tốt (Nguồn ảnh: ST)
3. Thực hiện chế độ dinh dưỡng khi mang thai, kết hợp chế độ nghỉ ngơi hợp lý
Sau khi xác nhận có bào thai trong tử cung, các mẹ sẽ cần lưu ý hơn đến chế độ dinh dưỡng khi mang thai, nên ăn gì và không nên ăn gì để đảm bảo thai kỳ được khỏe mạnh. Song song đó, các mẹ cũng cần sắp xếp lại công việc và dành thời gian nghỉ ngơi hợp lý để đảm bảo cho mẹ và con đều khỏe nhé.
Bổ sung dinh dưỡng đầy đủ trong thai kỳ (Nguồn ảnh: ST)
4. Bổ sung kiến thức sinh nở và nuôi con
Một trong những việc quan trọng nhất sau khi biết mang thai đó là mẹ bầu cần bổ sung kiến thức về sinh nở và nuôi dạy con. Bên cạnh đó, thai giáo sớm cũng là việc rất quan trọng quyết định quá trình nuôi dạy con sau này.
V. Kết luận
Tóm lại, những nội dung chia sẻ trên đây đã cung cấp thông tin cho các chị em về 9 dấu hiệu mang thai, cũng như cách kiểm tra có thai tại nhà để mẹ bầu có sự chuẩn bị cho thai kỳ một cách tốt nhất. Hi vọng thông tin bài viết này sẽ hữu ích với bạn. Nếu bạn có đóng góp ý kiến gì thêm, hãy để lại bình luận bên dưới nhé.