CÁC VIỆC MẸ BẦU CẦN LÀM VỚI TỪNG GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN CỦA THAI NHI

Mang thai 9 tháng 10 ngày là một hành trình dài và đầy bỡ ngỡ đối với các mẹ bầu lần đầu mang thai. Và để hành trình này được diễn ra suôn sẻ và tốt đẹp, các mẹ bầu sẽ cần phải thực hiện một số việc quan trọng liên quan. Vậy mẹ bầu cần làm gì vào các giai đoạn phát triển của thai nhi?

I. Các giai đoạn phát triển của thai nhi và các việc quan trọng mẹ bầu cần làm

Trải qua 40 tuần thai, chắc hẳn khi lần đầu làm mẹ các mẹ bầu sẽ lăn tăn không biết mình cần phải làm gì. Và sau đây sẽ là chi tiết các việc mẹ bầu cần làm tương ứng với từng giai đoạn phát triển của thai nhi.

1. Giai đoạn tuần 0 - tuần 4 (giai đoạn đậu thai)

- Tuần 0 - tuần 3: phôi nang (trứng đã thụ tinh) có kích thước từ 0,35 - 0,6 mm.

- Tuần 4: phôi thai có kích thước khoảng 2 mm.

Các giai đoạn phát triển của thai nhi

Giai đoạn thai nhi 0 - 4 tuần tuổi (Nguồn ảnh: ST)

► Các việc mẹ bầu cần làm:

Hầu hết trong giai đoạn này, hầu hết các chị em sẽ không nhận ra mình đang mang thai. Vậy nên, việc quan trọng các chị em cần làm lúc này là theo dõi chu kỳ kinh nguyệt và các dấu hiệu có thai sớm để có kế hoạch thăm khám và theo dõi thai kỳ một cách tốt nhất.

Các giai đoạn phát triển của thai nhi

Nhận biết các dấu hiệu có thai để có kế hoạch thăm khám phù hợp (Nguồn ảnh: ST)

2. Giai đoạn tuần 5 - tuần 8

- Tuần 5: phôi thai có kích thước khoảng 6 mm, lúc này nhịp tim của bé đã xuất hiện, tần suất từ 100 - 160 nhịp/phút (gấp đôi nhịp tim của người lớn).

- Tuần 6: chiều dài phôi thai khoảng 0,6 cm, một đoạn ruột sẽ phát triển thành dây rốn.

- Tuần 7: chiều dài phôi thai ~ 1,3 cm, tim thai đã xuất hiện, lúc này bác sĩ có thể nghe bằng máy siêu âm.

- Tuần 8: chiều dài 1,6 cm; cân nặng 15 gram, thai nhi đang trong quá trình phát triển khuôn mặt.

Các giai đoạn phát triển của thai nhi

Thai nhi giai đoạn 5 - 8 tuần tuổi (Nguồn ảnh: ST)

► Các việc mẹ bầu cần làm:

  • Khám thai (lần 1)

Sau khi biết có thai, các mẹ bầu cần đến ngay các cơ sở y tế để siêu âm thai. Trong lần siêu âm thai này, bác sĩ sẽ kiểm tra:

- Xác nhận mang thai, kiểm tra có thai không hoặc thai nằm ngoài tử cung không.

- Xác nhận nhịp tim của em bé.

- Đo chiều dài từ đầu đến chân của bé, có thể giúp xác định tuổi thai.

- Đánh giá thai kỳ bất thường.

Bên cạnh đó, các bác sĩ sẽ kiểm tra cân nặng, chiều cao, huyết áp và thực hiện xét nghiệm máu để kiểm tra một số bệnh như: bệnh sởi, thủy đậu, viêm gan B, HIV/AIDS, nhóm máu… Đồng thời bác sĩ cũng tư vấn cho các mẹ bầu bổ sung dinh dưỡng với các loại vitamin và khoáng chất cần thiết (đặc biệt là axit folic).

Các giai đoạn phát triển của thai nhi

Khám thai lần đầu để xác định vị trí phôi thai và ngày dự sinh (Nguồn ảnh: ST)

  • Nguy cơ trầm cảm khi mang thai

Giai đoạn này một số mẹ bầu sẽ dễ mắc bệnh trầm cảm khi mang thai do một số hormone trong cơ thể thay đổi. Vì vậy, các mẹ bầu cần nhận biết các thay đổi trong tâm trạng và kiểm soát tốt tâm sinh lý khi mang thai bằng cách: 

- Suy nghĩ lạc quan, giành nhiều thời gian nghỉ ngơi, thư giãn,

- Ngủ đủ giấc, duy trì lối sống khoa học,

- Đọc sách, nghe nhạc, vận động nhẹ nhàng

- Cần chia sẻ khó khăn với những người thân, đặc biệt là người chồng.

  • Ốm nghén khi mang thai

Phần lớn giai đoạn này các mẹ bầu sẽ bị ốm nghén khi mang thai (triệu chứng buồn nôn và nôn ói liên tục khi gặp mùi vị thức ăn), ăn uống khó khăn nên dễ bị sụt cân và mất nước. 

Vì vậy, các mẹ bầu có thể tham khảo một số cách như: chia nhỏ bữa ăn, uống thuốc chống nôn, uống trà gừng, bổ sung các vitamin và khoáng chất cần thiết (sắt, axit folic), nghỉ ngơi, thư giãn...

Các giai đoạn phát triển của thai nhi

Ốm nghén xảy ra phổ biến trong 3 tháng đầu thai kỳ (Nguồn ảnh: ST)

3. Giai đoạn tuần 9 - tuần 12

- Tuần 9: Chiều dài 2,3 cm; cân nặng 20 gram. Đuôi của thai nhi đã biến mất và được thay thế bằng 2 chân và các ngón chân đã xuất hiện.

- Tuần 10: Chiều dài 3,1 cm; cân nặng 35 gram.

- Tuần 11: Chiều dài 4,1 cm; cân nặng 45 gram.

- Tuần 12: Chiều dài 5,4 cm; cân nặng 58 gram. Các phản xạ của thai nhi bắt đầu hình thành và có những cử động tự thân.

Các giai đoạn phát triển của thai nhi

Thai nhi giai đoạn 9 - 12 tuần tuổi (Nguồn ảnh: ST)

► Các việc thai phụ cần làm:

  • Khám thai lần 2 (mốc khám thai quan trọng không thể bỏ qua)

Trong lần khám thai này, bác sĩ sẽ thực kiểm tra cân nặng, đo huyết áp, thực hiện một số xét nghiệm và siêu âm để đánh giá sức khỏe của mẹ và tình trạng phát triển của thai nhi.

Lần khám thai này khá quan trọng, các mẹ bầu không nên bỏ lỡ. Đây là giai đoạn “vàng” để siêu âm độ mờ da gáy nhằm đánh giá thai nhi có nguy cơ bị Down hoặc có bất thường về nhiễm sắc thể hay không.

Các mẹ bầu có thể chọn làm xét nghiệm Double test hoặc NIPT (xét nghiệm sàng lọc trước sinh không xâm lấn) tùy theo tình trạng sức khỏe và điều kiện kinh tế gia đình. Xét nghiệm NIPT có tính chính xác cao, giúp hạn chế các xét nghiệm xâm lấn (chọc ối, sinh thiết gai nhau) gây hại cho mẹ và bé.

Các giai đoạn phát triển của thai nhi

Thực hiện xét nghiệm Double test trong 3 tháng đầu thai kỳ (Nguồn ảnh: ST)

  • Nghỉ ngơi, hạn chế làm việc nặng để tránh sảy thai trong 3 tháng đầu thai kỳ

Tình trạng sảy thai trong 3 tháng đầu thai kỳ xảy ra khá phổ biến nên các mẹ bầu cần hết sức thận trọng và cần lưu ý đến các hoạt động cần tránh khi mang thai trong giai đoạn này.

4. Giai đoạn tuần 13 - tuần 16

- Tuần 13: Chiều dài 6,7 cm; cân nặng 73 gram, thai nhi có thể cho ngón tay cái vào miệng, và đang phát triển vị giác.

- Tuần 14: Chiều dài 14,7 cm; cân nặng 93 gram, giới tính thai nhi sẽ được nhìn thấy rõ ràng.

- Tuần 15:  Chiều dài 16,7 cm; cân nặng 117 gram. Lúc này cơ thể mẹ cảm thấy đói nhiều hơn, dễ dẫn đến ăn quá nhiều thức ăn một lúc, khiến trào ngược dạ dày.

- Tuần 16: Chiều dài 18,6 cm; cân nặng 146 gram. Tứ chi của thai nhi có thể chuyển động cùng nhau và có thể nhìn thấy trong quá trình siêu âm.

► Các mẹ bầu cần làm:

  • Thực hiện chế độ dinh dưỡng tối ưu

Giai đoạn này các mẹ bầu sẽ biết được giới tính của thai nhi và có những cảm nhận đầu tiên về thai máy sớm. Đây cũng là thời điểm vị giác của thai nhi phát triển nên mẹ bầu cần chú ý đến chế độ dinh dưỡng khi mang thai với đa dạng và đầy đủ các loại thực phẩm, món ăn khác nhau.

Các giai đoạn phát triển của thai nhi

Thực hiện chế độ dinh dưỡng tối ưu với đầy đủ, đa dạng thực phẩm (Nguồn ảnh: ST)

  • Thoa kem chống rạn da

Bên cạnh đó, giai đoạn này các mẹ bầu cũng nên thoa kem chống rạn da sớm (thoa trước khi có dấu hiệu rạn) để bảo vệ làn da ở vùng bụng được mềm mịn và căng bóng. Vì trong những tuần tuổi tiếp theo, thai nhi sẽ phát triển nhanh chóng và vùng bụng sẽ tăng nhanh về kích cỡ.

Các giai đoạn phát triển của thai nhi

Thoa kem chống rạn da trước khi có dấu hiệu rạn (Nguồn ảnh: ST)

5. Giai đoạn tuần 17 - tuần 21

- Tuần 17: Chiều dài 20,4 cm; cân nặng 181 gram, thai nhi càng ngày lớn dần lên nên mẹ bầu sẽ bị đau lưng nhiều.

- Tuần 18: Chiều dài 20,4 cm; cân nặng 222 gram. Thai nhi phát triển về thính giác.

- Tuần 19: Chiều dài 24 cm; cân nặng 272 gram.

- Tuần 20: Chiều dài 25,7 cm; cân nặng 330 gram. Một phần của não bộ của bé gọi là tiểu não đang không ngừng phát triển.

- Tuần 21: Chiều dài 27,4 cm; cân nặng 400 gram. Thai nhi đã bắt đầu di chuyển.

► Những việc quan trọng mẹ bầu cần làm:

  • Khám thai (lần 3)

Mốc khám thai này, bác sĩ sẽ tiếp tục thực hiện các kiểm tra thường quy như: đo huyết áp, cân nặng cho mẹ bầu, xét nghiệm, siêu âm thai để theo dõi sự phát triển của thai nhi.

Trong giai đoạn này, nếu mẹ bầu chưa thực hiện xét nghiệm Double test trong những lần khám thai trước thì bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm Triple test nhằm phát hiện những bất thường trong nhiễm sắc thể để có hướng xử lý kịp thời.

  • Thai giáo âm nhạc

Giai đoạn tuổi thai này, thai nhi đang phát triển về thính giác. Do đó, các mẹ bầu nên dành thời gian từ 10 - 15 phút trong ngày thai giáo âm nhạc cho con với những bản nhạc êm dịu, nhẹ nhàng.

Các giai đoạn phát triển của thai nhi

Thai giáo âm nhạc (Nguồn ảnh: ST)

  • Chú ý tư thế ngủ

Ngoài ra, thời điểm này kích cỡ vòng bụng đang to dần nên các mẹ bầu cần lưu ý đến tư thế ngủ. Việc nằm đúng tư thế trong khi ngủ sẽ giúp thai nhi phát triển và hấp thu dinh dưỡng tốt hơn.

Tư thế ngủ tốt cho bà bầu là nằm nghiêng sang bên trái với chiếc gối mỏng được kê dưới bụng giúp nâng đỡ bụng, tạo cảm giác thoải mái, thư giãn cho mẹ bầu.

Các giai đoạn phát triển của thai nhi

Tư thế ngủ tốt nhất cho bà bầu là nằm nghiêng sang trái (Nguồn ảnh: ST)

  • Theo dõi cử động thai: Bình thường trên 4 lần/giờ.

6. Giai đoạn tuần 22 - tuần 27

- Tuần 22: Chiều dài 29 cm; cân nặng 476 gram. Thai nhi đã biết nhào lộn, đá hoặc huých cùi chỏ vào bụng mẹ.

- Tuần 23: Chiều dài 30,6 cm; cân nặng 565 gram. Lỗ mũi thai nhi đã thông và đang phát triển khứu giác.

- Tuần 24: Chiều dài 32,2 cm; cân nặng 665 gram. Vị giác đã hình thành, phổi bắt đầu phát triển phức tạp hơn.

- Tuần 25: Chiều dài 33,7 cm; cân nặng 756 gram.

- Tuần 26: Chiều dài 35,1 cm: cân nặng 900 gram. Hệ mạch máu và hệ tuần hoàn của bé đã có đầy đủ chức năng.

- Tuần 27: Chiều dài 36,6 cm; cân nặng 1000 gram. Bé có thể nghe âm thanh từ các phương tiện giao thông và những giai điệu hoặc bài hát làm bé phấn khích.

► Những việc quan trọng mẹ bầu cần làm:

  • Khám thai lần 4 (mốc khám thai quan trọng)

Trong lần khám thai này, bác sĩ sẽ thực hiện:

- Đo huyết áp, kiểm tra cân nặng mẹ bầu, 

- Xét nghiệm nước tiểu nếu huyết áp cao, có dấu hiệu phù chân nhằm tầm soát nguy cơ sản giật và tiền sản giật thai kỳ.

- Xét nghiệm tầm soát tiểu đường thai kỳ bằng nghiệm pháp dung nạp glucose.

- Siêu âm hình thái 3D/4D để tầm soát dị tật thai nhi (não, chân tay, xương, tim, cột sống, thận), vị trí bám của nhau thai, lượng nước ối…

- Khám thai: Đo chiều dài tử cung, vòng bụng mẹ bầu, kiểm tra tim thai…

- Tiêm uốn ván VAT mũi đầu tiên.

Các giai đoạn phát triển của thai nhi

Cột mốc khám thai quan trọng trong giai đoạn thai nhi 22 - 27 tuần (Nguồn ảnh: ST)

  • Thai giáo khứu giác

Giai đoạn này khứu giác của thai nhi đang phát triển mạnh. Vì vậy, các mẹ bầu có thể thai giáo cho con bằng cách ngửi đa dạng các loại mùi thơm khác nhau, từ mùi thức ăn cho đến các mùi hương của các loài hoa.

  • Theo dõi cử động thai: Bình thường trên 4 lần/giờ.

7. Giai đoạn tuần 28 - tuần 32

- Tuần 28: Chiều dài 37,6 cm; cân nặng 1100 gram. Lúc này bé có thể nhìn lờ mờ về phía ánh sáng.

- Tuần 29: Chiều dài 39,3 cm; cân nặng 1239 gram. Tủy sống bắt đầi sản xuất hồng cầu và lúc này bé có thể nhắm và mở mắt.

- Tuần 30: Chiều dài 40,5 cm; cân nặng 1396 gram. Thai nhi ít vận động do không gian quanh bào thai hạn chế hơn.

- Tuần 31: Chiều dài 41,8 cm; cân nặng 1568 gram. Xúc giác phát triển.

- Tuần 32: Chiều dài 43 cm; cân nặng 1755 gram.

► Những việc mẹ bầu cần làm:

  • Khám thai (lần 5)

Lần khám thai này, bác sĩ sẽ siêu âm tầm soát dị tật để phát hiện các bất thường khởi phát muộn của thai nhi, kiểm tra tim thai, ước tính kích thước thai nhi, tiêm vacxin uốn ván VAT mũi 2.

Giai đoạn này các mẹ bầu có thể yêu cầu siêu âm 4D/5D để xem mặt con, khuôn mặt bé lúc này đã hoàn thiện và có một số biểu cảm rất đáng yêu. Các mẹ có thể hình dung được nét mặt cơ bản của con, lưu giữ hình ảnh con từ trong bụng mẹ để làm kỷ niệm và có thể so sánh với khuôn mặt con khi con chào đời.

Các giai đoạn phát triển của thai nhi

Siêu âm 4D/5D (Nguồn ảnh: ST)

  • Thai giáo ánh sáng

Từ tuần thai thứ 28, thai nhi đã có thể nhìn lờ mờ về phía ánh sáng nên đây là giai đoạn phù hợp để thai giáo ánh sáng cho con.

Các mẹ bầu có thể sắm chiếc đèn pin hoặc dùng đèn flash của điện thoại để rọi vào các vị trí của bụng mỗi lần từ 15 - 30 giây (cách thành bụng khoảng 10cm) để kích thích thị giác phát triển. Sau vài ngày, thai nhi sẽ bắt đầu có những phản ứng (thai máy) tới những khu vực có ánh sáng mà bạn rọi vào.

Thai giáo ánh sáng các mẹ bầu nên làm vào ban ngày để con nhận biết được ngày và đêm, giúp hình thành đồng hồ sinh học từ trong bụng mẹ. Ngoài ra, ba mẹ cũng nên thường xuyên cho con nghe nhạc, trò chuyện, đặt tay vào thành bụng để con cảm nhận sự ôm ấp, yêu thương.

Các giai đoạn phát triển của thai nhi

Thai giáo ánh sáng (Nguồn ảnh: ST)

  • Theo dõi cử động thai: Bình thường trên 4 lần/giờ.

8. Giai đoạn tuần 33 - tuần 34

- Tuần 33: Chiều dài 44,1 cm; cân nặng 2000 gram.

- Tuần 34: Chiều dài 45,3 cm; cân nặng 2200 gram.

► Những việc mẹ bầu cần làm:

  • Khám thai (lần 6)

Bác sĩ sẽ đo tim thai, ước tính kích thước thai nhi, xét nghiệm non-stress, siêu âm Doppler theo dõi sự phát triển của thai nhi.

  • Tiếp tục thai giáo ánh sáng, âm nhạc cho con…
  • Theo dõi cử động thai: Bình thường trên 4 lần/giờ.

9. Giai đoạn tuần 35 - tuần 40

- Tuần 35: Chiều dài 46,3 cm; cân nặng 2378 gram. Trọng lượng não của bé tăng gần 10 lần.

- Tuần 36: Chiều dài 47,3 cm; cân nặng 2600 gram.

- Tuần 37: Chiều dài 48,3 cm; cân nặng 2800 gram. Đầu của em bé có thể bắt đầu di chuyển trong xương chậu của mẹ và gây hiện tượng sa bụng.

Các giai đoạn phát triển của thai nhi

Thai nhi 35 - 37 tuần tuổi (Nguồn ảnh: ST)

- Tuần 38 - tuần 40: Chiều dài 49,3 cm - 51 cm; cân nặng 3000 gram - 3338 gram.

Các giai đoạn phát triển của thai nhi

Thai nhi giai đoạn sắp chuyển dạ (Nguồn ảnh: ST)

► Những việc mẹ bầu cần làm:

  • Khám thai (mốc khám thai quan trọng)

Giai đoạn này rất quan trọng vì các mẹ bầu sắp chuyển dạ nên cần đi khám thai mỗi tuần 1 lần. Trong những lần khám thai cuối cùng này, các bác sĩ sẽ vẫn thực hiện các việc thăm khám thường quy như siêu âm, xét nghiệm máu, non-stress test… để theo dõi thai kỳ.

Ngoài ra, giai đoạn này bác sĩ sẽ đánh giá khung xương chậu, ngôi thai để xác định mẹ bầu nên sinh thường hay sinh mổ. Bên cạnh đó, bác sĩ cũng chỉ định cho mẹ làm một số xét nghiệm quan trọng để chuẩn bị cho cuộc chuyển dạ:

- Xét nghiệm hóa sinh: đánh giá chức năng gan, thận, đường máu.

- Xét nghiệm huyết học: xác định nhóm máu, có thiếu máu hay không, các yếu tố đông máu.

- Xét nghiệm vi sinh miễn dịch: viêm gan B, HIV, giang mai, liên cầu khuẩn nhóm B.

- Xét nghiệm khác liên quan đến sức khỏe của mẹ bầu: xét nghiệm máu liên quan đến tiền sản giật, nội tiết tuyến giáp,...

  • Trang trí phòng, mua sắm chuẩn bị vật dụng cần thiết cho con

- Mua sắm quần áo, tã, sữa, đồ dùng, trang bị phòng ngủ cho con đầy đủ.

- Chuẩn bị túi vật dụng đi sinh cho mẹ và con, các giấy tờ nhập viện cần thiết.

  • Chú ý đến các dấu hiệu sắp sinh

- Vào những tuần cuối của thai kỳ, mẹ bầu cần nghỉ ngơi hoàn toàn, và đặc biệt chú ý các dấu hiệu bất thường như: ra nước âm đạo, ra huyết âm đạo, ra nhớt hồng, đau bụng từng cơn, đau tăng dần… để có thể đến bệnh viện kịp thời.

Các giai đoạn phát triển của thai nhi

Chuẩn bị đồ dùng đầy đủ trước khi đi sinh (Nguồn ảnh: ST)

II. Kết luận

Hi vọng những chia sẻ này sẽ giúp các mẹ bầu chủ động hơn, biết rõ những việc quan trọng cần phải làm trong các giai đoạn phát triển của thai nhi để cuộc sinh nở được thành công suôn sẻ, "mẹ tròn con vuông". Mong các mẹ luôn giữ vững tinh thần trong suốt thai kỳ để sẵn sàng chào đón con yêu nhé.