NHỮNG DẤU HIỆU SẢY THAI 3 THÁNG ĐẦU
Mang thai là hành trình vô cùng thiêng liêng đối với phụ nữ, là niềm vui sướng và hạnh phúc của cả gia đình. Thế nhưng, sảy thai lại khá phổ biến và là điều đáng tiếc mà không ai mong muốn. Hãy cùng Ad điểm qua những dấu hiệu sảy thai 3 tháng đầu và cách phòng tránh sảy thai cho mẹ bầu nhé.
I. Những dấu hiệu sảy thai 3 tháng đầu
Sảy thai sớm là tình trạng khá phổ biến đối với phụ nữ mang thai mặc dù đây là điều không ai mong muốn. Đó là một hiện tượng mất thai trong khoảng 3 tháng đầu thai kỳ.
Vây nên, trong suốt quá trình mang thai, mẹ bầu cần lưu ý mọi dấu hiệu lạ trên cơ thể, vì đó có thể là dấu hiệu sảy thai, đặc biệt trong 3 tháng đầu thai kỳ. Việc nhận biết những dấu hiệu sảy thai sớm sẽ phần nào giúp các mẹ bầu tránh được những hậu quả đáng tiếc xảy ra.
1. Chảy máu âm đạo bất thường
Chảy máu âm đạo trong thai kỳ là dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm mà các mẹ bầu cần chú ý. Đặc biệt là trường hợp âm đạo chảy máu đỏ tươi, ngưng rồi lặp đi lặp lại, màu sắc máu cũng thay đổi từ đỏ tươi sang màu nâu mận chín. Đó là dấu hiệu cho biết hàm lượng hormone đang sụt giảm và quá trình sảy thai có thể xảy ra.
Do vậy, trong quá trình mang thai, nếu thấy có dấu hiệu chảy máu âm đạo, dù là ít hay nhiều, có màu sắc như thế nào, bà bầu cũng hết sức lưu ý và cần nhanh chóng đến bệnh viện gần nhất để kiểm tra.
Chảy máu âm đạo bất thường trong thai kỳ là dấu hiệu cảnh báo sảy thai mẹ bầu cần chú ý (Nguồn ảnh: ST)
2. Đau co thắt bụng dưới kèm đau lưng
Bạn đã từng thấy triệu chứng này khi có kinh nguyệt. Và nếu nó lặp lại khi mang thai thì đó có thể là dấu hiệu sảy thai hoặc mang thai ngoài tử cung.
Do đó, nếu gặp tình trạng tử cung co thắt nhiều lần (khoảng 5 - 20 phút/lần), sau đó có chảy máu âm đạo thì mẹ bầu cần phải đi khám ngay bất kể là đã đến kỳ khám thai hay chưa.
Đau co thắt bụng dưới kèm đau lưng
3. Không còn thấy các triệu chứng của dấu hiệu mang thai
Khi có dấu hiệu mang thai, các mẹ bầu sẽ có một số dấu hiệu nhận biết như ngực căng tức, quầng vú thâm sẫm màu, ốm nghén, đầy hơi… Tuy nhiên, bỗng nhiên một ngày mẹ bầu không còn những dấu hiệu này nữa mặc dù vẫn chưa qua 3 tháng thai kỳ. Đó có thể là dấu hiệu sảy thai, mẹ bầu cần phải đi khám ngay.
4. Dịch âm đạo nhiều
Dịch nhờn âm đạo xuất hiện nhiều bất thường kèm theo những cục máu đông và chất lỏng có màu hồng, đặc biệt khi dịch nhờn này có mùi hôi nặng. Hãy đến gặp bác sĩ ngay nếu mẹ bầu thấy xuất hiện những điều này, vì có thể đó là dấu hiệu sảy thai.
5. Áp lực vùng chậu
Nếu áp lực vùng chậu do thai nhi đè nặng và đi kèm với triệu chứng chảy máu âm đạo, chuột rút thì đó là dấu hiệu cho thấy bạn chuẩn bị sảy thai.
Áp lực vùng chậu + chảy máu âm đạo (Nguồn ảnh: ST)
6. Thử thai âm tính
Thử thai dương tính nhưng sau đó lại âm tính là dấu hiệu điển hình của việc mang thai ngoài tử cung, và thường đi kèm với việc ra máu lốm đốm.
Sảy thai là một nỗi đau mất mát lớn đối với gia đình. Vậy nên, khi biết bản thân đang mang thai, mẹ bầu cần hết sức kỹ lưỡng và cẩn thận trong tất cả mọi việc nhằm đảm bảo cho thai nhi phát triển ổn định, khỏe mạnh trong suốt thai kỳ.
Và để phòng tránh sảy thai, các mẹ bầu nên biết một số nguyên nhân gây sảy thai để có các biện pháp phòng tránh chủ động kịp thời.
II. Nguyên nhân gây sảy thai 3 tháng đầu thai kỳ
1. Vấn đề về nhau thai
Sảy thai trong 3 tháng đầu thai kỳ thường được cho là do vấn đề trục trặc của nhau thai. Đây chính là sợi dây liên kết sự sống của thai nhi với mẹ cũng là con đường cung cấp nguồn dinh dưỡng thiết yếu.
Do đó, nếu nhau thai có vấn đề có thể ảnh hưởng đến sự tăng trưởng và phát triển của bé, thậm chí là gây sảy thai.
2. Vấn đề di truyền học
Hợp tử sau khi hình thành từ trứng của mẹ và tinh trùng của bố nhưng không phát triển bình thường, gây mất cân bằng về số lượng nhiễm sắc thể nên thai chết non. Thông thường trường hợp này xảy ra trong giai đoạn 3 tháng đầu của thai kỳ.
Mất cân bằng nhiễm sắc thể (Nguồn ảnh: ST)
3. Cấu trúc tử cung của người mẹ
Sảy thai xảy ra khi mẹ bầu gặp vấn đề về tử cung, nơi lưu trú của bào thai. Các bất thường về tử cung như bị hở eo cổ tử cung, tử cung có vách ngăn… cũng khó lòng giữ được thai nhi.
4. Tình trạng sức khỏe của mẹ bầu
Việc mẹ bầu bị bệnh khi mang thai, chẳng hạn như tiểu đường thai kỳ, cao huyết áp khi mang thai, bệnh thận và các vấn đề với tuyến giáp, bệnh truyền nhiễm... có thể làm tăng nguy cơ sảy thai. Vậy nên, việc đảm bảo sức khỏe của mẹ bầu trước và khi mang thai là vô cùng quan trọng.
Mẹ bầu mắc bệnh tiểu đường, cao huyết áp... khi mang thai có nguy cơ sảy thai cao (Nguồn ảnh: ST)
5. Mất cân bằng hormone
Hormone có một vai trò cực kỳ quan trọng trong thai kỳ. Ví dụ như hormone progesterone có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ nhau thai bám vào thành tử cung, nếu cơ thể của mẹ không đủ progesterone thì nhau thai sẽ dễ bong và dẫn đến sảy thai.
6. Ngộ độc thực phẩm
Ngộ độc thực phẩm cũng có thể dẫn đến sảy thai. Vì vậy, mẹ bầu cần đặc biệt lưu ý đến chế độ ăn hàng ngày, cần ăn chín uống sôi và chọn lọc kỹ thực phẩm cần bổ sung trong suốt thai kỳ.
Ngộ độc thực phẩm khi mang thai cũng có thể dẫn đến sảy thai (Nguồn ảnh: ST)
III. Cách phòng tránh sảy thai trong 3 tháng đầu
Mặc dù có nhiều nguyên nhân gây sảy thai, trong đó có một vài nguyên nhân khách quan khó can thiệp và không thể thay đổi nhưng cũng có một vài nguyên nhân chủ quan là do lối sống chúng ta gây ra. Bởi sảy thai chính là cái “quả” của những cái “nhân” trước đó mà chúng ta không để ý đến.
Do đó, các đôi vợ chồng trước khi có ý định mang thai và sinh con cần có chế độ đảm bảo sức khỏe một cách tốt nhất.
♦ Sau đây là một số việc cần làm để phòng tránh sảy thai:
- Khám sức khỏe tổng quát và khám tiền sản, tiêm phòng đầy đủ trước khi quyết định mang thai.
- Thực hành lối sống lành mạnh, giữ gìn sức khỏe, tránh xa các môi trường hóa chất độc hại.
- Tránh sử sụng các chất kích thích như rượu, cafe, tránh những nơi có khói thuốc lá.
- Khi có dấu hiệu chậm kinh nên đi khám sớm để kiểm tra xem thai đã vào trong tử cung hay chưa. Vì thai ngoài tử cung thường sẽ ít có triệu chứng khác lạ với các dấu hiệu mang thai nên nếu để lâu ngày túi thai lớn sẽ rất nguy hiểm đến sức khỏe.
- Khi mang thai, mẹ bầu cần hạn chế lao động nặng, stress căng thẳng trong thời gian dài.
- Tìm hiểu kỹ về chế độ dinh dưỡng khi mang thai, nên ăn gì và không nên ăn gì trong suốt thai kỳ.
- Riêng những phụ nữ trên 35 tuổi khi muốn mang thai nên có sự hướng dẫn và theo dõi của bác sĩ thai sản về những dự định của mình. Bởi vì nguy cơ sảy thai càng cao khi bạn càng lớn tuổi.
Chuẩn bị sức khỏe tốt trước khi mang thai để tránh bị sảy thai trong thai kỳ (Nguồn ảnh: ST)
IV. Sảy thai bao lâu thì có thai lại?
Đây là câu hỏi thường gặp ở các cặp vợ chồng trẻ sau khi sảy thai lần đầu. Bạn không nên quá nóng lòng bởi cơ duyên đầy đủ thì bạn sẽ đón con nhanh thôi.
Điều bạn cần làm trước tiên là nghỉ dưỡng cho cơ thể phục hồi về tinh thần và thể chất. Giai đoạn hồi phục sau khi sảy thai cực kỳ quan trọng cho tinh thần và sức khỏe sinh sản của bạn.
Giai đoạn hồi phục sau sảy thai là vô cùng quan trọng (Nguồn ảnh: ST)
Nhiều người có kinh lại trong vòng 4 - 6 tuần sau khi sảy thai, đó là dấu hiệu sự rụng trứng và khả năng sinh sản đã trở lại bình thường.
Tuy nhiên, các bác sĩ cũng khuyên những đôi vợ chồng cố gắng thụ thai, sau khi sảy thai phải đợi hết ra huyết, nồng độ nội tiết tố ổn định và cảm thấy đã đủ khỏe về thể chất lẫn tâm lý thì cơ hội mang thai lần sau sẽ tốt hơn. Thường là sau 3 tháng các đôi vợ chồng có thể thụ thai lại.
Khi đã có tiền sử sảy thai, thai phụ nên hết sức thận trọng trong lần mang thai kế tiếp để tránh gặp phải rủi ro.
Sau 3 tháng kể từ khi sảy thai, các đôi vợ chồng có thể thụ thai trở lại (Nguồn ảnh: ST)
V. Kết luận
Việc biết được dấu hiệu sảy thai 3 tháng đầu sẽ giúp mẹ bầu bình tĩnh, chủ động và vững vàng tâm lý hơn khi chẳng may có biến cố xảy ra. Chúng ta không thể mong nghịch cảnh biến mất, điều chúng ta có thể làm là mạnh mẽ, kiên cường vượt qua mọi biến cố xảy đến trong cuộc sống. Chúc cho các mẹ bầu luôn khỏe mạnh và bình an!