CHẤT PHỤ GIA THỰC PHẨM CÓ HẠI KHÔNG?

Với sự phát triển như vũ bão của thức ăn nhanh, đồ ăn chế biến sẵn đã góp phần làm gia tăng các chất phụ gia trong các món ăn. Vậy chất phụ gia thực phẩm có hại không? Hãy cùng mình khám phá chi tiết ngay sau đây.

1. Chất phụ gia thực phẩm là gì?

Chất phụ gia thực phẩm là những chất nhân tạo hay tự nhiên có chức năng như các loại gia vị khác. Các chất phụ gia được phân loại thành một vài nhóm chính tùy theo vai trò của chúng, chẳng hạn như:

- Chất phụ gia thực phẩm có vai trò chủ chốt trong việc kéo dài thời hạn sử dụng của đồ ăn (chất bảo quản), 

- Thế chỗ cho những dưỡng chất đã mất (chất bổ sung dưỡng chất), 

- Bảo quản cấu trúc hấp dẫn của thực phẩm (chất ổn định),

- Thêm vào hương vị, màu sắc (chất tạo hương vị)...

Một số chất phụ gia thực phẩm nếu sử dụng trong thời gian dài có thể gây ngộ độc, ung thư và nhiều chứng bệnh liên quan. Tuy nhiên, không phải chất phụ gia nào cũng xấu, một số chất phụ gia đã được sử dụng từ thời cổ đại để gia tăng hương vị hay bảo quản thực phẩm. Chẳng hạn như natri clorid (muối ăn).

Các chất phụ gia thực phẩm được phép sử dụng trong giới hạn về số lượng, mục đích đảm bảo an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng. Do đó, việc nhận biết các loại chất phụ gia bị cấm và những chất được phép sử dụng là rất quan trọng.

Vậy nên, người nội trợ thông minh cần nắm bắt những loại chất phụ gia cấm và đọc kỹ bảng thành phần trong các loại thực phẩm chế biến sẵn nhằm bảo vệ sức khỏe của cả nhà.

Chất phụ gia bảo quản thực phẩm

Chất phụ gia thực phẩm (Nguồn ảnh: ST)

► Danh mục phụ gia thực phẩm được phép sử dụng

Sau đây là danh sách những chất phụ gia thực phẩm nằm trong hạn mức cho phép của Bộ y tế bao gồm: 

- Chất bảo quản thực phẩm:

Chất bảo quản ngăn thức ăn bị hỏng và kéo dài thời hạn sử dụng bằng cách làm chậm sự phát triển của vi sinh vật và trì hoãn các phản ứng hóa học tự nhiên vốn khiến thức ăn mất vị thơm ngon hoặc hư hỏng.

Chất phụ gia bảo quản thực phẩm

Chất bảo quản (Nguồn ảnh: ST)

- Chất tạo ngọt:

Chất tạo ngọt nhân tạo (aspartame và saccharine). Chúng được sử dụng để làm giảm lượng calo, bởi chúng vừa có lượng calo thấp hơn đường rất nhiều, vừa có thể dùng với lượng rất nhỏ.

Chất phụ gia bảo quản thực phẩm

Chất tạo ngọt nhân tạo (Nguồn ảnh: ST)

- Chất nhũ hóa:

Nhũ tương là hỗn hợp của những chất lỏng vốn không hòa lẫn với nhau, chẳng hạn như dầu và nước. Các chất nhũ hóa sẽ thúc đẩy sự hòa trộn như vậy trong thực phẩm. Ví dụ chất nhũ hóa được sử dụng trong xốt mayonnaise.

Chất phụ gia bảo quản thực phẩm

Chất nhũ hóa có trong xốt mayonnaise (Nguồn ảnh: ST)

- Chất tạo hương vị:

Nhân tạo hay tự nhiên được thêm vào thực phẩm để thay thế hoặc gia tăng hương vị tự nhiên đã bị mất đi trong quá trình chế biến. Mùi và vị liên quan chặt chẽ với nhau, vì vậy nhiều chất tạo hương vị cũng có các thành phần tạo mùi trong đó.

- Màu thực phẩm:

Được sử dụng để thêm hoặc cải thiện màu sắc mất đi trong quá trình chế biến. Hoặc để thêm màu sắc cho những thực phẩm có màu trắng hoặc màu không bắt mắt để chúng trông tươi ngon và hấp dẫn hơn.

Chất phụ gia bảo quản thực phẩm

Màu thực phẩm dùng trong bánh kẹo trông bắt mắt, hấp dẫn (Nguồn ảnh: ST)

- Chất bổ sung dưỡng chất:

Thay thế cho các vitamin và chất khoáng đã bị phá hủy trong quá trình chế biến, hoặc bổ sung các dưỡng chất mà bản thân những thực phẩm đó không có.

- Chất ổn định:

Ngăn các chất nhũ tương (các thực phẩm như xốt mayonnaise) phân tách thành các thành phần dầu và nước riêng biệt sau khi được trộn lẫn với nhau, giúp duy trì cấu trúc và tính đồng nhất của thực phẩm.

Chất phụ gia bảo quản thực phẩm

Chất ổn định giúp duy trì cấu trúc của các loại nước xốt (Nguồn ảnh: ST)

- Chất chống oxy hóa:

Làm ức chế quá trình oxy hóa, được sử dụng để trì hoãn quá trình nâu hóa và hư thối vốn do sự oxy hóa gây ra, kéo dài thời hạn sử dụng của thực phẩm.

- Chất điều chỉnh độ axit:

Dùng để kiểm soát cân bằng axit-kiềm (độ pH) của thực phẩm để có vị mong muốn (thức ăn có tính axit có vị “gắt” hay chua; thức ăn có tính kiềm có vị đắng) và ức chế sự phát triển của vi sinh vật để thức ăn vẫn an toàn khi dùng lâu.

- Tác nhân chống vón cục:

Giúp ngăn không cho các loại thực phẩm dạng bột hoặc hạt nhỏ (như bột và muối) hấp thụ hơi ẩm và vón cục. Chất chống vón cục có trong sữa bột, bột ngũ cốc… giữ cho sữa không bị vón cục. 

Chất phụ gia bảo quản thực phẩm

Chất chống vón cục có trong sữa bột (Nguồn ảnh: ST)

- Chất chống tạo bọt:

Chất chống tạo bọt thường dùng trong sản xuất đồ hộp nhằm giảm hay ngăn chặn sự tạo bọt trong thực phẩm. 

- Chất giữ ẩm:

Chất giữ ẩm làm cho thực phẩm không bị khô bề mặt. 

- Tác nhân làm nở:

Được thêm vào bột nhào và bột nhão để giúp chúng nở ra bằng cách thúc đẩy quá trình tạo khí (thường là CO2). Một ví dụ phổ biến đó là bột nở.

Chất phụ gia bảo quản thực phẩm

Bột nở dùng trong làm bánh (Nguồn ảnh: ST)

2. Tác hại của chất phụ gia thực phẩm

Phụ gia thực phẩm nếu dùng đúng loại và liều lượng sẽ làm tăng tính thẩm mỹ và độ bảo quản tốt cho sản phẩm. Nhưng, không có nhà sản xuất thực phẩm nào mong muốn sản phẩm của mình nhanh hư hỏng và có giá thành thấp. 

Cho nên, sự quá tay khi cho các loại phụ gia thực phẩm đã gây nên nhiều biến chứng nghiêm trọng như: 

- Ngộ độc cấp tính: Khi người tiêu dùng sử dụng thực phẩm có chứa quá liều chất phụ gia. 

- Ngộ độc mãn tính: không bộc phát ngay. Chất phụ gia thực phẩm với liều lượng nhỏ với liều lượng mỗi ngày một ít tích lũy dần trong cơ thể gây tổn thương về lâu về dài. Ví dụ: làm ảnh hưởng tới vị giác, ăn không ngon, giảm cân, tiêu chảy, rụng tóc, suy thận mạn tính, da xanh xao, trí tuệ giảm sút…

- Nguy cơ hình thành khối u ác tính biến chứng ung thư, đột biến gen, quái thai hoặc sinh non khi sử dụng các chất phụ gia tổng hợp thường xuyên. 

- Ảnh hưởng tới chất lượng thực phẩm: chất phụ gia làm cho các chất dinh dưỡng, vitamin đều bị phá hủy, một số bị biến chất thành chất độc, chất thải dư thừa. 

Chất phụ gia bảo quản thực phẩm

Dùng phụ gia thực phẩm lâu ngày sẽ làm mất cảm giác ngon miệng khi ăn (Nguồn ảnh: ST)

► Bạn có biết, có tổng cộng 9/11 chất phụ gia có trong 1 chiếc bánh hamburger?

- Vỏ bánh mì (2 lớp): chứa chất bảo quản, chất tạo ngọt, dưỡng chất, tác nhân chống vón cục.

- Đồ chua:  chứa chất bảo quản, màu thực phẩm, chất ổn định, chất chống oxy hóa.

- Pho mát:  chứa chất bảo quản, chất tạo hương vị, màu thực phẩm, chất điều chỉnh độ axit.

- Thịt băm:  chứa chất tạo hương vị, chất ổn định.

- Xốt cà:  chứa chất bảo quản, chất tạo ngọt, chất tạo hương vị, chất ổn định, chất điều chỉnh độ axit.

Chất phụ gia bảo quản thực phẩm

Bánh hamburger chứa nhiều chất phụ gia bảo quản (Nguồn ảnh: ST)

3. Cách sử dụng chất phụ gia thực phẩm an toàn

Theo khuyến cáo của Bộ Y tế về việc sử dụng chất phụ gia khi chế biến và sản xuất lương thực, thực phẩm trong một giới hạn cho phép đối với từng loại chất phụ gia. Tuy nhiên, thực tế lại không được như khuyến cáo. Chất phụ gia thực phẩm bị sử dụng tràn lan và không có giới hạn hay sự kiểm dịch nào chặt chẽ. 

Do đó, chúng ta cần hạn chế sử dụng đồ hộp hay thức ăn chế biến sẵn để tránh việc dung nạp chất phụ gia mỗi ngày gây nguy hiểm cho cơ thể. Và nên chuyển sang dùng các chất phụ gia thực phẩm tự nhiên vừa “sạch” vừa an toàn cho sức khỏe.

► Chất phụ gia thực phẩm tự nhiên

Người nội trợ ngày nay đã biết tận dụng nguồn phụ gia thực phẩm từ tự nhiên khi chế biến thức ăn. Điển hình như:

  • Làm dưa chua với dấm, ướp muối với thịt xông muối.
  • Ngoài ra, người ta còn sử dụng tro bếp khi muốn làm giòn dai củ kiệu, dưa hành ngày tết. 
  • Đó còn là enzyme có trong sữa chua, các vitamin C làm chất chống oxy hóa hiệu quả. 
  • Dùng chất tạo màu tự nhiên từ rau củ quả như màu tím từ lá cẩm, màu xanh từ lá dứa, màu đỏ của quả gấc… 
  • Hoặc như vôi ăn trầu có tác dụng tẩy trắng và làm giòn lòng heo, lòng bò…
  • Dùng thực phẩm ngọt tự nhiên thay thế cho đường như Quế hoặc cỏ ngọt.

Chất phụ gia bảo quản thực phẩm

Chất phụ gia thực phẩm tự nhiên

4. Kết luận

Chất phụ gia thực phẩm tuy góp phần tạo ra hương vị và màu sắc thơm ngon, hấp dẫn cho món ăn nhưng nếu dùng quá liều sẽ gây hại cho sức khỏe. Do đó, chúng ta cần hạn chế dùng thực phẩm chế biến sẵn, đồ hộp hay thức ăn nhanh và tốt nhất là chế biến món ăn tại nhà để đảm bảo cho sức khỏe.