5 CÁCH NẤU CƠM GẠO LỨT TẠI NHÀ
Ai cũng biết ăn gạo lứt là tốt, mang lại nhiều sức khỏe và có thể hỗ trợ điều trị bệnh nhưng công đoạn chuẩn bị và nấu gạo lứt lại tốn khá nhiều thời gian. Hiểu được vấn đề này, bài viết sau đây sẽ gợi ý 5 cách nấu cơm gạo lứt, giúp các chị em nội trợ linh hoạt lựa chọn cách nấu phù hợp nhất trong từng hoàn cảnh.
I. Gạo lứt là gạo gì?
Gạo lứt cũng như gạo trắng, là loại gạo đã được xay bỏ lớp trấu nhưng khác ở chỗ vẫn giữ nguyên lớp cám gạo bên ngoài. Do đó, gạo lứt vẫn giữ được hầu hết các chất dinh dưỡng quan trọng như vitamin, khoáng chất, và dưỡng chất thực vật có lợi. Đặc biệt, gạo lứt giàu chất xơ hơn gạo trắng.
Cũng vì còn lớp cám gạo bên ngoài nên quá trình nấu gạo lứt sẽ mất thời gian hơn gạo trắng. Hơn nữa, gạo lứt khi nấu chín cũng khó ăn hơn vì cơm gạo lứt hơi khô và cứng do còn lớp vỏ cám bên ngoài. Vì vậy, khi ăn gạo lứt bạn cần nhai thật kỹ để cơ thể hấp thu hết các chất dinh dưỡng có trong gạo lứt.
Gạo lứt chứa nhiều chất xơ và dưỡng chất có lợi (Nguồn ảnh: ST)
► Gạo lứt có mấy loại?
Gạo lứt được xem là một trong các loại thực phẩm đại diện cho chế độ ăn uống lành mạnh. Do đó, gạo lứt nên được đưa vào chế độ ăn hàng ngày của mọi nhà để đảm bảo sức khỏe lâu dài.
Gạo lứt có nhiều loại, có thể kể đến là: gạo lứt tẻ, gạo lứt nếp, gạo lứt đỏ và gạo lứt đen.
- Gạo lứt tẻ: Thường dùng để nấu cơm ăn hàng ngày nhưng khá cứng và khó ăn.
- Gạo lứt nếp: Giống như gạo nếp, chỉ dùng nấu xôi, nấu cơm rượu.
- Gạo lứt đỏ: Dễ ăn hơn gạo lứt tẻ, được xem là loại gạo dùng để giảm cân, thích hợp cho người tiểu đường, người già, người ăn chay… (Lưu ý: gạo lứt đỏ và gạo lứt huyết rồng là 2 loại gạo khác nhau và đối tượng người dùng cũng khác nhau).
- Gạo lứt đen: Dùng như gạo lứt đỏ.
Gạo lứt có 4 loại.
II. 5 cách nấu cơm gạo lứt tại nhà
Có nhiều cách nấu cơm gạo lứt, tùy thuộc vào từng loại nồi của mỗi nhà mà cách nấu gạo lứt sẽ khác nhau. Trong nội dung bài viết hôm nay, admin sẽ gợi ý cho bạn một số cách nấu cơm gạo lứt như sau: nấu cơm gạo lứt bằng nồi cơm điện thường, nấu bằng nồi cơm điện chuyên dụng, nấu bằng bếp ga, nấu bằng nồi áp suất...
1. Cách nấu cơm gạo lứt bằng bếp ga/bếp củi
Nấu cơm gạo lứt bằng bếp ga/bếp củi, tốt nhất bạn nên dùng nồi đất để nấu và ngâm gạo lứt qua đêm để gạo lứt mềm, tiết kiệm thời gian nấu trên bếp.
Gạo lứt sau khi ngâm qua đêm thì vo sạch, tráng lại với nước lạnh 1 - 2 lần. Cho gạo vào nồi cùng lượng nước tương ứng. Bạn cần nhớ là lượng nước nấu cơm gạo lứt phải nhiều hơn khi nấu cơm gạo trắng nhé.
Sau đó nấu cơm gạo lứt với lửa vừa, khi cơm sôi thì đảo đều gạo nước. Hạ nhỏ lửa rồi đậy nắp vung cho kín khoảng 7 - 10 phút nữa thì tắt bếp. Bạn nhớ canh chừng cơm gạo lứt không thì cơm sẽ thiếu nước, nhão hay khê.
Nấu cơm gạo lứt bằng bếp ga/bếp củi (Nguồn ảnh: ST)
2. Nấu gạo lứt bằng nồi cơm điện thường
Cách nấu cơm gạo lứt bằng nồi cơm điện thường cũng cần ngâm gạo qua đêm. Sau khi cho gạo lứt và lượng nước vừa đủ vào nồi thì cho thêm tí muối để khi cơm chín có vị đậm đà hơn. Bật công tắc nấu như bình thường và chờ cơm chín.
Nấu gạo lứt bằng nồi cơm điện thường (Nguồn ảnh: ST)
3. Cách nấu gạo lứt không cần ngâm
Đây là cách nấu cơm như bình thường, tức là chỉ cần vo gạo lứt và nấu. Để nấu gạo lứt không cần ngâm, bạn cần đầu tư một chiếc nồi cơm điện chuyên dụng, có chức năng nấu gạo lứt (Brown). Với cách này, bà nội trợ sẽ tiết kiệm được thời gian nấu và có thể bỏ qua công đoạn ngâm gạo qua đêm.
Tuy nhiên, bà nội trợ cần đọc hướng dẫn sử dụng để điều chỉnh mực nước và bật chế độ nấu gạo lứt cho đúng để khi cơm gạo lứt chín sẽ có mùi thơm và độ mềm dẻo thơm ngon.
Nấu cơm gạo lứt không cần ngâm
4. Cách nấu cơm gạo lứt bằng nồi áp suất
Đây là một trong những cách nấu cơm gạo lứt nhanh chóng và tiết kiệm thời gian nhất. Với nồi áp suất thì bạn không cần ngâm gạo qua đêm, chỉ cần vo sạch rồi cho gạo lứt, nước và chút muối rồi bật chế độ nấu bình thường. Sau khoảng nửa tiếng là cả nhà có thể thưởng thức cơm gạo lứt ngon lành.
Cách nấu cơm gạo lứt bằng nồi áp suất (Nguồn ảnh: ST)
5. Cách nấu cơm gạo lứt với các loại hạt
Bên cạnh nấu cơm gạo lứt bằng nhiều cách như trên thì đôi khi người ta còn kết hợp gạo lứt với hạt sen, đậu đen, mè trắng... tạo thành món cơm gạo lứt thơm ngon và giàu dinh dưỡng.
Tùy theo sở thích và nhu cầu riêng của gia đình mà bà nội trợ có thể linh động kết hợp gạo lứt và các loại hạt để tạo món cơm gạo lứt hấp dẫn hơn bình thường.
Cách nấu cơm gạo lứt với các loại hạt cũng đơn giản như cách nấu cơm gạo lứt bình thường. Bạn chỉ cần vo sạch loại hạt muốn ăn cho vào cùng gạo lứt và nước vừa đủ để cơm gạo lứt chín mềm. Món cơm gạo lứt nấu với các loại hạt vừa có màu sắc đẹp vừa có mùi thơm và ngon ngọt tự nhiên.
Cách nấu cơm gạo lứt với các loại hạt (Nguồn ảnh: ST)
III. Kết luận
Gạo lứt chính là lựa chọn hoàn hảo để bảo vệ sức khỏe gia đình. Do đó, hãy sử dụng gạo lứt trong các bữa ăn hàng ngày để mang lại sức khỏe bền lâu. Mong rằng với 5 cách nấu cơm gạo lứt được chia sẻ trên đây, các chị em nội trợ sẽ trở nên linh hoạt hơn trong việc nấu cơm gạo lứt cho gia đình.
>> Tham khảo: Cách làm bánh biscotti ăn kiêng, giảm cân tại nhà.