Trong thế giới ngày nay, khi lãng phí thực phẩm trở thành một vấn đề toàn cầu thì việc tìm hiểu cách bảo quản thực phẩm hiệu quả không chỉ là một kỹ năng sống cần thiết mà còn là nghệ thuật giúp chúng ta giảm thiểu lãng phí và đảm bảo an toàn cho bữa ăn mỗi ngày. Hãy cùng khám phá “các mẹo vàng” này trong nội dung ngay sau đây.
I. Bảo quản thực phẩm là gì?
Bảo quản thực phẩm là quá trình xử lý nhằm ngăn chặn hoặc làm chậm việc thực phẩm bị hư hỏng (giảm chất lượng và giá trị dinh dưỡng hoặc không ăn được), từ đó có thể kéo dài thời gian sử dụng thực phẩm nhưng vẫn đảm bảo tính an toàn cho thực phẩm.
Do đó, bảo quản thực phẩm đúng cách là một trong những bí quyết quan trọng nhất để duy trì một lối sống lành mạnh và bền vững. Khi nói đến "cách bảo quản thực phẩm", chúng ta không chỉ đảm bảo thực phẩm của mình tươi ngon mà còn góp phần giảm thiểu rác thải, tiết kiệm tiền bạc và bảo vệ sức khỏe gia đình.
Bảo quản thực phẩm đúng cách giúp kéo dài thời gian sử dụng thực phẩm (Nguồn ảnh: ST)
II. Cách bảo quản thực phẩm
1. Nguyên nhân gây hư hỏng thực phẩm
Thực phẩm nếu không được bảo quản đúng cách sẽ dễ bị hư hỏng, bởi 2 nguyên nhân: bên trong và bên ngoài.
► Nguyên nhân bên trong: các chất dinh dưỡng tự phản ứng với nhau hoặc dưới tác động của các enzyme của chính thực phẩm đó.
► Nguyên nhân bên ngoài:
- Không khí
- Nhiệt độ
- Vi sinh vật
- Côn trùng, gặm nhắm
- Ánh sáng
- Độ ẩm
- Hóa chất...
Dựa trên những nguyên nhân gây hư hỏng thực phẩm này, chúng ta sẽ có các phương pháp bảo quản thực phẩm khác nhau tùy từng loại thực phẩm khác nhau.
2. Các cách bảo quản thực phẩm phổ biến
♦ Bảo quản thực phẩm bằng nhiệt độ thấp
Nhiệt độ thấp tuy không tiêu diệt được vi sinh vật nhưng ức chế được sự phát triển của chúng.
- Ướp đá: bảo quản trong thời gian ngắn.
Ví dụ: Thịt cá, thủy sản hoặc một số trái cây... ướp đá làm lạnh nhanh để vận chuyển, phân phối trong thời gian ngắn.
- Làm lạnh: bảo quản ở nhiệt độ 0 - 10oC, giúp làm giảm hoặc ức chế quá trình phân hủy thực phẩm mà các vitamin vẫn còn giữ nguyên vẹn (đây là phương pháp bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh gia đình).
- Đông lạnh: bảo quản ở nhiệt độ -18oC đến -25oC, có thể giữ được từ 2 - 6 tháng.
Ví dụ: Thịt, cá cấp đông để dùng trong thời gian dài.
Lưu ý: thịt, cá chỉ nên bảo quản từ -12oC đến -20oC để không làm đông đặc toàn bộ nước trong tế bào động vật, gây biến chất protein trong thịt, đồng thời làm thời gian chờ rã đông kéo dài, thịt dễ bị ô nhiễm vi sinh vật.
Bảo quản thực phẩm bằng nhiệt độ thấp (Nguồn ảnh: ST)
♦ Bảo quản thực phẩm ở nhiệt độ cao + bao gói kín
Nhiệt độ cao tiêu diệt vi sinh vật, làm ngừng các phản ứng, phá hủy enzyme.
- Tiệt trùng ở nhiệt độ cao trong thời gian ngắn:
Tạo ra môi trường có nhiệt độ cao từ 115oC đến 140oC (áp suất cao) nhằm tiêu diệt vi sinh vật nhanh và gần như hoàn toàn, thậm chí cả bào tử.
Ví dụ: Thực phẩm đóng hộp (cá hộp, xúc xích, pate...), sữa tươi tiệt trùng.
- Thanh trùng Pasteur:
Phương pháp diệt khuẩn ở nhiệt độ 70oC - 100oC trong một thời gian dài cho các thực phẩm mà giá trị dinh dưỡng dễ bị biến đổi bởi nhiệt độ như sữa tươi thanh trùng.
Thanh trùng pastuer (Nguồn ảnh: ST)
♦ Bảo quản bằng phương pháp làm khô thực phẩm
Làm giảm nước trong thực phẩm từ đó các vi sinh vật, các phản ứng, các enzyme trong thực phẩm sẽ giảm hoặc không hoạt động.
- Phơi nắng
- Sấy khô
- Xông khói (xông lạnh và xông nóng)
Cá phơi nắng (Nguồn ảnh: ST)
♦ Bảo quản bằng dùng muối và đường
- Ướp muối: ướp muối khô, ướp muối nước, ngâm nước muối.
Để ức chế phát triển hoặc tiêu diệt vi khuẩn, nhưng không thể phá hủy được được độc tố vi khuẩn. Vì vậy, thực phẩm trước khi ướp muối phải sạch, đảm bảo các tiêu chuẩn vệ sinh. Đặc biệt, nồng độ muối trong thực phẩm phải đạt khoảng 15% mới đủ hạn chế sự phát triển của vi sinh vật.
- Ướp đường:
Dễ bị nhiễm các loại nấm mốc phát triển và làm hỏng thực phẩm nên thường được phối hợp với phương pháp làm khô thực phẩm nếu cần bảo quản dài ngày.
Lưu ý: trước khi ướp đường, các loại quả cần được rửa sạch, phơi khô trước, dụng cụ chứa đường cũng phải rửa sạch, đảm bảo khô, kín và để nơi cao ráo, sạch sẽ và thoáng.
Đào ướp đường (Nguồn ảnh: ST)
♦ Bảo quản bằng cách điều chỉnh PH của thực phẩm như lên men chua
Lên men chua sẽ tạo môi trường PH < 4,5 làm ức chế các vi sinh vật gây hỏng thực phẩm. Phương pháp này chỉ bảo quản thực phẩm trong một thời gian ngắn khoảng 15 - 30 ngày. Và quá trình lên men chua sẽ làm hao hụt các chất dinh dưỡng, đặc biệt là các vitamin và khoáng chất.
Phương pháp này không thể làm chết được trứng giun, các loại thuốc bảo vệ thực vật. Vì vậy cần chọn thực phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh.
Thực phẩm lên men chua (Nguồn ảnh: ST)
♦ Bảo quản bằng chất sát khuẩn sinh học
Chất diệt khuẩn sinh học có nhiều trong củ hành, củ tỏi. Vì vậy đây là 2 gia vị không thể thiếu khi chế biến món ăn.
Hành, tỏi là 2 gia vị không thể thiếu trong các món ăn (Nguồn ảnh: ST)
♦ Bảo quản thực phẩm bằng đóng hộp
Phương pháp này có thể bảo quản thực phẩm trong thời gian dài.
Đóng hộp là cách bảo quản thực phẩm trong thời gian dài (Nguồn ảnh: ST)
♦ Hút chân không
Loại bỏ oxi để hạn chế hoạt động của vi sinh vật hiếu khí, một số phản ứng, đặc biệt là phản ứng oxi hóa.
♦ Bao gói MAP + bảo quản lạnh
Phương pháp bảo quản này làm thay đổi thành phần không khí xung quanh thực phẩm theo hướng có lợi thông qua việc ức chế hô hấp của thực phẩm.
♦ Dùng các chất bảo quản, chất chống oxy hóa
Nguyên tắc của cách bảo quản thực phẩm này là dùng hóa chất ức chế sự phát triển của vi sinh vật ngăn ngừa phản ứng oxi hóa. Lưu ý các phụ gia, hóa chất này cần có trong danh mục cho phép sử dụng.
Lưu ý: trước khi đem bảo quản, các thực phẩm phải đảm bảo tươi, sạch, an toàn vệ sinh và chưa bị hôi thối, hỏng!
III. Các phương pháp chế biến thực phẩm phổ biến
1. Chế biến thực phẩm là gì? Tại sao phải chế biến thực phẩm?
Chế biến thực phẩm được định nghĩa là bất kỳ thay đổi nào xảy ra với thức ăn hay đồ uống khiến chất lượng hay thời hạn sử dụng của chúng thay đổi. Chúng ta chế biến thực phẩm vì 3 nguyên nhân:
- Để thực phẩm có thể ăn được.
- Để tăng cường dinh dưỡng của thực phẩm.
- Và để thức ăn an toàn hơn khi ăn.
Chế biến thực phẩm giúp cải thiện và tạo ra các hương vị, những mùi thơm và cấu trúc mới. Đồng thời, chế biến thực phẩm cũng giúp tiêu diệt hoặc ức chế các mầm bệnh và khiến nhiều loại độc tố trở nên bất hoạt.
Ví dụ: Thực phẩm sống thường cứng, nhiều xơ, khó nhai và khó tiêu hóa. Nếu không được nấu lên, hệ tiêu hóa của chúng ta không thể phân giải nhiều thành phần trong thức ăn.
Ví dụ: Sữa tươi được vắt trực tiếp có an toàn không? Chắc chắc là không, vì vi khuẩn trong sữa tươi có thể gây ngộ độc thực phẩm. Và phương pháp thanh trùng hoặc tiệt trùng là một quá trình chế biến rất quan trọng giúp tiêu diệt các vi khuẩn có hại, khiến việc uống sữa tươi trở nên an toàn hơn.
2. Các phương pháp chế biến thực phẩm có sử dụng nhiệt
- Gia nhiệt ẩm: nước hoặc hơi nước
- Chần
- Luộc
- Hấp
- Hầm
Thịt/xương heo hầm rau củ (Ảnh: Sưu tầm)
- Gia nhiệt khô: không nước hoặc rất ít nước
- Chiên/rán
- Quay/thui
- Rang/sao
- Xào
- Áp chảo
- Nướng
Thịt nướng (Ảnh: Sưu tầm)
3. Các phương pháp chế biến thực phẩm không sử dụng nhiệt
- Lên men: muối chua rau quả, thịt cá, sữa...
- Ngâm: ngâm giấm, giấm đường, ngâm muối...
- Trộn: salad.
IV. Kết luận
Áp dụng các "cách bảo quản thực phẩm" hiệu quả mà chúng ta đã khám phá không chỉ giúp thực phẩm của bạn luôn tươi ngon mà còn mở ra cánh cửa cho một lối sống bền vững và trách nhiệm. Hãy để những mẹo vặt này trở thành phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của bạn, và cảm nhận chất lượng cuộc sống được cải thiện từng ngày.
>> Xem thêm: Chất phụ gia thực phẩm có hại không?