CÁCH XÂY DỰNG THÓI QUEN TỐT
Việc ý thức được đâu là thói quen tốt và đâu là thói quen xấu cần loại bỏ sẽ thay đổi hoàn toàn cuộc sống của chúng ta. Và nội dung sau đây sẽ gợi ý cho các bạn các thói quen tốt giúp nuôi dưỡng hạnh phúc dài lâu.
I. Các thói quen tốt nuôi dưỡng hạnh phúc lâu dài
Tại sao lại là hạnh phúc lâu dài? Có thể thấy bộ não của chúng ta thích tìm kiếm các hoạt động mang lại sự dễ chịu, vui sướng và hạnh phúc. Tuy nhiên, những hạnh phúc ngắn hạn như sở hữu một chiếc xe mới, một túi xách, một chiếc điện thoại phiên bản mới nhất… có làm chúng ta vui lâu?
Chắc chắn là không, nhưng tại sao lại như vậy? Nếu bạn hiểu về hạnh phúc, bạn sẽ có câu trả lời cho riêng mình.
Hạnh phúc theo nghiên cứu của Sonja Lyubomirsky chịu sự tác động của 3 yếu tố:
- 50% hạnh phúc là do di truyền. Đây được xem là hạnh phúc cơ sở - là điểm mốc mà tâm trạng của bạn sẽ ổn định lại trước và sau một sự kiện hạnh phúc và bất hạnh.
- 40% hạnh phúc đến từ các hoạt động.
- 10% hạnh phúc được quyết định bởi hoàn cảnh của bạn.
Ví dụ: Bạn sẽ thấy rất vui khi sở hữu một chiếc điện thoại Iphone mới ra mắt nhưng chỉ sau 1 tuần hoặc 1 tháng, niềm vui này bắt đầu vơi dần. Hoặc các hoàn cảnh gây ra sự thất vọng hoặc đau khổ như thất bại trong cuộc sống hoặc mất người thân sẽ không làm bạn bất hạnh mãi mãi.
Bởi vì cuối cùng thì mọi chuyện cũng sẽ qua và ai cũng sẽ quay trở lại cuộc sống bình thường với mức hạnh phúc cơ sở di truyền của họ.
Hãy tìm hạnh phúc lâu dài qua các thói quen tốt hàng ngày (Nguồn ảnh: ST)
“Hạnh phúc là hành trình không phải đích đến”. Và cách duy nhất giúp chúng ta tận hưởng cảm giác hạnh phúc lâu dài đó chính là thông qua các hoạt động tạo ra hạnh phúc hàng ngày (các thói quen tốt). Các hoạt động tạo hạnh phúc gồm:
1. Kiểm soát kỳ vọng bằng cách đặt mục tiêu
Một trong những nguyên nhân gây ra bất hạnh đó là không có mục tiêu sống rõ ràng và đặt kỳ vọng quá cao trong mọi việc nên khi thực tế xảy ra không như ý muốn, chúng ta trở nên bi quan và thất vọng.
Do đó, để quản lý kỳ vọng chúng ta cần đặt mục tiêu thực tế và có thể đạt được bằng cách chia nhỏ ước mơ, mục tiêu theo từng giai đoạn. Để khi kết quả vượt quá mục tiêu đưa ra, chúng ta sẽ cảm thấy hạnh phúc.
Cuộc sống hạnh phúc là một cuộc sống có mục tiêu (Nguồn ảnh: ST)
2. Luyện tập sự lạc quan, tích cực
Lạc quan không phải ai sinh ra cũng có nhưng lạc quan có thể đạt được nếu chúng ta luyện tập mỗi ngày để tạo thành thói quen.
Một số cách luyện tập sự lạc quan như:
- Đặt những câu nói truyền cảm hứng tích cực trong tầm mắt để bạn thể đọc chúng mỗi ngày;
- Thực hành lòng biết ơn;
- Nhận diện và loại bỏ suy nghĩ tiêu cực ra khỏi tâm trí trước khi chúng bén rễ.
Luyện tập thói quen lạc quan, tích cực giúp bồi dưỡng hạnh phúc (Nguồn ảnh: ST)
>> Tham khảo: Thái độ sống tích cực chính là chìa khóa của hạnh phúc.
3. Sống cho hiện tại
Hiện tại chính là món quà của cuộc sống. Khoảnh khắc hiện tại thật quý giá bởi khi chúng trôi qua, bạn không thể nào có thể thực hiện lại khoảnh khắc ấy lần nữa. Và nếu có đi chăng nữa thì cảm xúc tại thời khắc đó đã không còn như trước.
Vì vậy, bạn nên trân quý những giây phút quây quần bên gia đình. Hãy hiện diện hoàn toàn, gạt bỏ mọi suy nghĩ, lo lắng về các vấn đề khác và tận hưởng khoảnh khắc ấy một cách trọn vẹn.
Sống trọn vẹn với mọi khoảnh khắc trong cuộc sống (Nguồn ảnh: ST)
4. Vượt qua vùng thoải mái
Chúng ta sẽ có cảm giác sợ hãi nếu lỡ vượt ra khỏi vùng an toàn của chính mình. Đúng, nỗi sợ luôn tồn tại nhưng bạn có biết, điều kỳ diệu là bộ não của chúng ta được lập trình để vượt qua mọi nỗi sợ hãi. Và món quà bạn nhận được sẽ là cảm giác hạnh phúc, vui sướng khi chinh phục được một điều mới.
Vượt qua vòng tròn thoải mái sẽ mang lại cho bạn cảm giác hạnh phúc (Nguồn ảnh: ST)
5. Tham gia các hoạt động thiện nguyện
Tình nguyện là một hoạt động tạo ra hạnh phúc. Bạn sẽ có được sự mãn nguyện cảm xúc khi giúp đỡ người khác trong cộng đồng. Một cảm giác hạnh phúc của sự cho đi không toan tính, vụ lợi.
Tham gia các hoạt động thiện nguyện
6. Tập thể dục
Tập thể dục giúp cơ thể tiết ra hormone endorphin giúp cải thiện tâm trạng. Và cảm giác khi hoàn thành một bài tập thể dục và biết rằng chúng mang lại nhiều lợi ích cho cơ thể thật sự là một trải nghiệm tuyệt vời.
Thói quen tập thể dục giúp mang lại trải nghiệm hạnh phúc (Nguồn ảnh: ST)
7. Thiền
Thiền là hoạt động quản lý não bộ hiệu quả. Thiền giúp giảm căng thẳng, làm chậm quá trình lão hóa và mang lại trạng thái hạnh phúc.
Việc thực hiện thiền đơn giản nhất là ngồi yên hít thở từ 10 - 15 phút mỗi buổi sáng hoặc buổi tối trước khi đi ngủ. Thực hiện thói quen này thường xuyên sẽ giúp cơ thể thư giãn.
Thiền giúp giảm căng thẳng và mang lại hạnh phúc (Nguồn ảnh: ST)
8. Học một điều mới
Hai mục đích quan trọng của não bộ là giúp chúng ta sống và học hỏi điều mới. Do đó, học hỏi chính là điều não bộ ưa thích. Chúng ta tham gia việc học tập càng nhiều, não bộ sẽ càng thưởng cho chúng ta cảm giác hạnh phúc.
Hãy dành ra ít nhất 20 - 30 phút mỗi ngày học một điều gì mới giúp ích cho công việc hoặc chỉ là phục vụ cho một đam mê nào đó của riêng bạn, bạn sẽ thấy hạnh phúc mỗi ngày.
Học điều mới mỗi ngày mang lại cảm giác mãn nguyện, hạnh phúc (Nguồn ảnh: ST)
II. Cách xây dựng thói quen tốt ít nỗ lực nhất
Thay đổi một thói quen xấu cũ là một việc không hề dễ chút nào. Bởi qua năm tháng, việc lặp đi lặp lại một việc cụ thể nào đó đã hằn sâu trong bộ não để tạo ra các phản xạ không điều kiện.
Vậy nên việc thay đổi thói quen cũ và xây dựng thói quen tốt mới cần nhiều ý chí và nỗ lực. Tuy nhiên, nếu bạn thực hiện các mẹo giúp thay đổi thói quen sau đây, bạn sẽ thấy việc thay đổi không chỉ có thể mà còn dễ dàng.
1. Bắt đầu từ những việc nhỏ
Nếu bạn muốn xây dựng thói quen dậy sớm, hãy bắt đầu bằng việc dậy sớm hơn ngày hôm qua 5 phút rồi tăng dần lên trong những ngày tiếp theo.
Sau mỗi mục tiêu nhỏ được hoàn thành, bạn sẽ thấy tự tin hơn và có cảm xúc tốt để tiếp tục tiến lên. Cứ như vậy sau một thời gian, bạn sẽ thấy việc thức dậy sớm không còn quá khó khăn nữa.
Thay đổi thói quen từ những việc làm nhỏ mỗi ngày (Nguồn ảnh: ST)
2. Ngăn chặn thói quen xấu
Bạn có thể xây dựng “bức tường lửa” cho các thói quen cũ mà bạn muốn thay đổi bằng cách gây trở ngại mỗi khi muốn thực hiện chúng.
Ví dụ: Bạn không muốn tốn nhiều thời gian lướt mạng xã hội hoặc xem film vào cuối ngày, bạn có thể ngắt kết nối interrnet hoặc để các thiết bị điện tử tránh xa tầm mắt.
3. Thay đổi môi trường, kết giao với những người có thói quen tốt
Nếu bạn muốn thay đổi thói quen xấu, hãy hạn chế giao du với những người có thể kích hoạt thói quen xấu đó và bắt đầu kết giao với những người có thói quen tốt mà bạn muốn hình thành.
Một khi bạn chịu khó quan sát để thay đổi thói quen, bạn sẽ thấy những người có thói quen tích cực ở xung quanh bạn. Và việc của bạn chỉ là kết giao với họ và tham gia cùng họ.
Ví dụ: Bạn muốn có thói quen tập thể dục, chạy bộ mỗi buổi sáng thì hãy gia nhập nhóm có những người thường xuyên chạy bộ và thực hiện cùng họ.
Tham gia vào nhóm chạy bộ để hình thành thói quen chạy bộ mỗi ngày
III. Kết luận
Việc xây dựng các thói quen tốt trong cuộc sống của mỗi người là việc rất nên làm. Chưa tính đến việc thói quen tốt sẽ thay đổi cuộc sống của bạn nhiều đến đâu nhưng mình chắc chắn một điều, thói quen tốt sẽ làm bạn hạnh phúc mỗi ngày.