LỢI ÍCH CỦA THỂ DỤC THỂ THAO
Từ lâu tập thể dục thể thao được xem là hoạt động giúp mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe thể chất lẫn tinh thần. Vậy cụ thể lợi ích của thể dục thể thao là gì và sự khác nhau giữa thể dục và thể thao là như thế nào? Hãy cùng mình khám phá chi tiết trong nội dung sau đây nhé.
I. Phân biệt thể dục và thể thao
1. Thể dục
Tập thể dục thường mang ý nghĩa là nâng cao sức khỏe thể chất, với nhiều mục đích tùy theo từng đối tượng khác nhau.
Ví dụ:
- Tập yoga để duy trì sự dẻo dai;
- Chạy bộ đường trường tăng sức bền;
- Tập gym để duy trì sức mạnh cơ bắp;
- Bơi lội duy trì vóc dáng cân đối;
- Hoặc tập thể dục đơn giản để khỏe mạnh hơn mỗi ngày.
Tập thể dục buổi sáng với môn chạy bộ chậm (Nguồn ảnh: ST)
2. Thể thao
Thể thao cũng là các hoạt động thể chất như thể dục nhưng có tính chuyên môn hơn. Các hoạt động thể thao thường được tổ chức thành các cuộc thi mang tính cạnh tranh về thành tích và người tham gia trong các cuộc thi này được gọi là vận động viên.
Ví dụ:
- Vận động viên môn cầu lông: Nguyễn Tiến Minh;
- Vận động viên môn bơi lội: Nguyễn Thị Ánh Viên…
Vận động viên cầu lông Nguyễn Tiến Minh (Nguồn ảnh: ST)
Đặc điểm | Thể dục | Thể thao |
Đối tượng | Bất kỳ ai (từ trẻ em cho đến người cao tuổi). | Vận động viên trong một độ tuổi nhất định. |
Số lượng | Một hoặc nhiều môn (mức độ nghiệp dư). | Đa phần là 1 môn (mức độ chuyên nghiệp). |
Mục đích | Nâng cao sức khỏe thể chất. | Ngoài nâng cao sức khỏe thể chất, còn có mục đích nghề nghiệp. |
Tính cạnh tranh | Chính mình. | Với đối thủ. |
Chế độ tập luyện | Linh hoạt hoặc theo thời gian biểu cá nhân. | Theo chế độ tập luyện nghiêm ngặt của huấn luyện viên. |
Sự khác biệt giữa thể dục và thể thao.
II. 7 lợi ích của thể dục thể thao
1. Giúp cải thiện chức năng trí óc
Tập thể dục - đặc biệt là các bài tập về tim mạch giúp bơm lượng oxy vào máu, cung cấp cho tế bào não. Ngoài ra, việc tập thể dục 20 - 30 phút mỗi ngày còn giúp các tế bào thần kinh phát triển và khỏe mạnh hơn, làm tăng khả năng ghi nhớ, hạn chế mắc bệnh Alzheimer khi về già.
Thể dục thể thao giúp cải thiện trí nhớ (Nguồn ảnh: ST)
2. Giúp giảm rủi ro bệnh tật, cải thiện năng suất làm việc
Tập thể dục làm tăng cholesterol tốt (HDL) và giảm cholesterol xấu (LDL), dẫn đến kết quả là ít mảng bám được hình thành trong động mạch giúp tim khỏe hơn. Hơn nữa, các bài tập như chạy bộ, đi bộ, chạy bộ chậm... làm giảm nguy cơ loãng xương, giúp hạ huyết áp và kiểm soát đường huyết.
Vậy nên, một cơ thể ít bệnh tật, giàu năng lượng thì thời gian làm việc nhiều hơn, công việc sẽ trở nên hiệu quả và năng suất hơn.
Tập thể dục giúp cải thiện năng suất làm việc (Nguồn ảnh: ST)
3. Giúp giảm stress và các ảnh hưởng của stress
Khi cơ thể bị stress, cortisol được sinh ra giúp cơ thể vượt qua mối nguy hiểm đã gây ra trình trạng căng thẳng này. Nhưng không may, hormone cortisol này lại có tác dụng phụ, làm giảm các tế bào bạch cầu dẫn đến sự suy yếu hệ miễn dịch của cơ thể.
Do đó, tập thể dục thể thao giúp cơ thể giảm stress cũng đồng thời gián tiếp giúp cơ thể khỏe mạnh hơn và tăng sức đề kháng chống lại bệnh tật.
Tập thể dục mỗi ngày giúp giảm stress và tăng sức đề kháng (Nguồn ảnh: ST)
>> Tham khảo: Bị stress nên làm gì để vực dậy tinh thần?
4. Giúp hạnh phúc hơn
Tập thể dục giúp cơ thể tạo ra hormone Endorphin - một chất giảm đau tự nhiên - giúp cơ thể có cảm giác khỏe mạnh hơn và hạnh phúc hơn. Chạy bộ mỗi buổi sáng ngoài trời tiếp thêm năng lượng tích cực giúp bạn ít bị ảnh hưởng bởi những vấn đề hay mẫu thuẫn thường xảy ra trong ngày.
>> Xem thêm: Các thói quen tốt giúp nuôi dưỡng hạnh phúc lâu dài.
5. Giúp da dẻ hồng hào và làm chậm quá trình lão hóa
Tập thể dục giúp kích thích sản sinh EPO (Erythroprotein) - có trách nhiệm tạo ra tế bào hồng cầu mới trong tủy xương cho phép oxy đi khắp cơ thể. Các oxy này hoạt động như miếng bọt biển sẽ hút sạch các bụi bẩn trong các tế bào và thải ra ngoài qua khí CO2.
Ngoài ra, tập thể dục còn giúp kích hoạt enzyme Telomerase bảo vệ các telomere - kiểm soát số lần tế bào có thể có thể phân chia. Nếu các tế bào không thể phân chia, chúng sẽ già đi. Do đó, tập thể dục giúp duy trì sự trẻ trung và kéo dài tuổi thọ.
Tập thể dục mỗi ngày giúp làm chậm quá trình lão hóa (Nguồn ảnh: ST)
6. Tăng sự tự tin, nâng cao sức mạnh ý chí
Tập thể dục thường xuyên giúp nâng cao mức testoterone - hormone giúp phục hồi cơ, tăng sự tự tin. Sự tự tin giúp bạn chủ động cuộc sống, đối mặt với mọi thử thách và có cơ hội học hỏi nhiều điều từ những thử thách đó.
Tập thể dục hàng ngày không chỉ có ích cho hệ cơ và sức khỏe mà còn giúp nâng cao sức mạnh ý chí và khả năng tự kểm soát. Từ đó, bạn sẽ có những quyết định chính xác hơn, nhận biết đâu là thói quen xấu cần loại bỏ để tránh việc sa đà vào chúng quá mức.
Thể dục thể thao mang lại sự tự tin (Nguồn ảnh: ST)
7. Giúp giảm cân và bổ sung vitamin D tự nhiên
Chạy bộ ngoài trời vào sáng sớm đem lại hiệu quả giảm cân bất ngờ. Bởi lượng calo bị đốt cháy khi chạy bộ tăng 33% so với khi chạy trong nhà, leo cầu thang hoặc đạp xe tại chỗ… Ngoài ra, chạy bộ buổi sáng còn tạo điều kiện cho da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời giúp sản sinh ra vitamin D tự nhiên cho cơ thể.
Chạy bộ mỗi sáng giúp giảm cân, cải thiện vóc dáng (Nguồn ảnh: ST)
III. 3 nguyên tắc trong thể dục thể thao
Dù là rèn luyện thể dục hay thi đấu thể thao thì cũng cần tuân theo 3 nguyên tắc sau đây để các hoạt động này trở nên ý nghĩa và mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe thể chất lẫn tinh thần.
1. Tinh thần thể thao
Trong quá trình rèn luyện sức khỏe thể chất thì tinh thần thể thao là nguyên tắc đầu tiên mà bất kỳ người tham gia nào cũng cần phải có.
Đó chính là sự tôn trọng, đánh giá cao ý nghĩa của quá trình rèn luyện và lợi ích mà chúng mang lại. Người tham gia cần đánh giá cao sự cố gắng, nỗ lực từng ngày của chính mình, luôn kiên trì và giữ vững niềm tin, lạc quan, tích cực hướng đến một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Ngoài ra trong thi đấu, tinh thần thể thao còn là việc thực hiện lối chơi đẹp, sự tôn trọng, văn minh lịch sự trong cách hành xử với đồng đội và đối thủ dù cho kết quả là thắng hay thua.
Tôn trọng đối thủ là một trong những hành động đẹp thể hiện rõ tinh thần thể thao (Nguồn ảnh: ST)
2. Phi bạo lực
Thể dục thể thao chỉ nên là hoạt động giúp nâng cao sức mạnh của cơ thể. Đặc biệt, thể thao trong các môn đối kháng cần nói "KHÔNG" với bạo lực. Hãy để thể dục thể thao là hoạt động lành mạnh cho tất cả mọi người để nâng cao sức khỏe thể chất lẫn tinh thần.
Thể dục thể thao lành mạnh nói KHÔNG với bạo lực trong thi đấu (Nguồn ảnh: ST)
3. Tập luyện phù hợp kết hợp với dinh dưỡng
Mục đích của thể dục thể thao là nâng cao sức khỏe con người nên việc hiểu cơ thể và mục tiêu của bản thân để có chế độ luyện tập phù hợp là rất quan trọng. Trong thể dục thể thao, không phải cứ tập nhiều, tập quá sức sẽ tiến bộ mà chính sự đều đặn, điều độ mới mang lại hiệu quả cao nhất.
Ngoài việc có chế độ tập luyện phù hợp thì dinh dưỡng cũng không kém phần quan trọng. Chính chế độ ăn uống sẽ quyết định thể trạng của bạn - điều kiện cơ bản, tiên quyết để bắt đầu một quá trình tập luyện hiệu quả.
Dinh dưỡng là yếu tố rất quan trọng trong quá trình tập luyện thể dục thể thao (Nguồn ảnh: ST)
IV. Kết luận
Hi vọng với những chia sẻ ngắn trên đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về ý nghĩa và lợi ích của thể dục thể thao trong cuộc sống hàng ngày. Mong rằng bạn sẽ yêu thích và duy trì việc tập luyện thể dục để luôn khỏe mạnh mỗi ngày.
>> Tham khảo: Nên tập thể dục vào lúc nào là tốt nhất, và giảm cân hiệu quả nhất?